Có khi nào: Áp lực đồng trang lứa không phải vì chúng ta còn trẻ mà là vì chúng ta sẽ trưởng thành? - Doctor247

Có khi nào: Áp lực đồng trang lứa không phải vì chúng ta còn trẻ mà là vì chúng ta sẽ trưởng thành?

Áp lực đồng trang lứa (peer pressure) không chỉ là câu chuyện của tuổi trẻ, mà còn là nỗi lo thấm sâu vào hành trình trưởng thành. Thay vì chỉ xoay quanh việc cố bắt kịp những thành công tức thời, chúng ta dần cảm nhận sự thúc ép bởi dòng thời gian: những thành tựu cần đạt được trước khi quá muộn, trước khi tuổi tác trở thành giới hạn không thể vượt qua.

Áp lực đồng trang lứa (peer pressure) không chỉ là câu chuyện của tuổi trẻ
Áp lực đồng trang lứa (peer pressure) không chỉ là câu chuyện của tuổi trẻ

Người lớn cũng áp lực đồng trang lứa

Áp lực đồng trang lứa (peer pressure) thường được hiểu là cảm giác phải đáp ứng kỳ vọng từ bạn bè hoặc nhóm người cùng độ tuổi, tạo ra cảm giác cần phải “theo kịp” những thành công hay chuẩn mực xã hội mà người khác đạt được. Áp lực này không biến mất khi chúng ta lớn lên.

Thực tế, áp lực này có thể trở nên tinh vi và khó nhận ra hơn ở những người trưởng thành. Ở độ tuổi 30-40, họ dễ cảm thấy bức bối khi so sánh mình với bạn bè: “Ai đã mua nhà? Ai đã có con? Ai đã thành đạt trong sự nghiệp?”. Những câu hỏi đó vô tình tạo nên gánh nặng vô hình. Khi này không còn là áp lực trở thành “con nhà người ta nữa” mà còn có thể trở thành “vợ chồng nhà người ta”, “ba mẹ nhà người ta”…

Ngoài ra, với sự phát triển của mạng xã hội, hình ảnh thành công của những người cùng độ tuổi thường được phóng đại, khiến ta cảm giác mình đang “bị bỏ lại phía sau”. Điều này không chỉ làm tăng sự bất an mà còn đẩy chúng ta vào vòng xoáy phải liên tục chứng tỏ bản thân – một cuộc đua không hồi kết.

Khi thời gian trở thành đối thủ

Ở mỗi giai đoạn cuộc đời, chúng ta đều bị bao quanh bởi các chuẩn mực thành công nhất định. Khi còn trẻ, áp lực xoay quanh chuyện học hành, công việc đầu đời hay các mối quan hệ xã hội. Tuy nhiên, đến một lúc nào đó, nỗi lo không còn là “Ai hơn ai bây giờ?” mà trở thành “Liệu mình có đủ thời gian để làm điều đó không?”. Thời gian trôi đi khiến con người cảm thấy phải nhanh chóng đạt được một số cột mốc như kết hôn, mua nhà, có con hay đạt đỉnh cao sự nghiệp.

Áp lực này đôi khi xuất phát từ cảm giác rằng nếu không thành công sớm, cơ hội sẽ không còn đến. Đặc biệt, những người đang ở độ tuổi 30-40 có xu hướng so sánh với bạn bè đồng trang lứa về sự nghiệp, gia đình và thành tựu. Họ lo sợ nếu không đạt được điều mình kỳ vọng, tương lai sẽ chỉ còn lại tiếc nuối và giới hạn.

Áp lực đồng trang lứa ở người trưởng thành có thể là tiền tài, danh vọng, quyền lực...
Áp lực đồng trang lứa ở người trưởng thành có thể đến từ tiền tài, danh vọng, quyền lực…

Sự kỳ vọng xã hội và nỗi lo ‘bỏ lỡ’

Một yếu tố khác khiến chúng ta cảm thấy áp lực là sự kỳ vọng từ xã hội. Những tiêu chuẩn về thành công ở mỗi giai đoạn cuộc đời như lập gia đình đúng tuổi, xây dựng sự nghiệp ổn định hay chăm sóc sức khỏe lâu dài đều tạo ra gánh nặng.

Khi thấy người khác hoàn thành những điều đó, chúng ta dễ cảm thấy mình đang bị bỏ lại phía sau. Điều này sinh ra hiện tượng “sợ bỏ lỡ” (FOMO – Fear of Missing Out), không chỉ khiến người trẻ bất an mà còn bám theo cả những người trưởng thành.

Ngoài ra, sức khỏe và ngoại hình cũng là yếu tố khiến áp lực tuổi tác ngày càng lớn. Việc nhìn thấy những người cùng độ tuổi giữ được vóc dáng và năng lượng thanh xuân dễ khiến chúng ta sợ rằng mình đang già đi và dần tụt lại.

Làm thế nào để đối phó với áp lực đồng trang lứa ở tuổi trưởng thành?

Nhận thức rõ rằng ai cũng có hành trình riêng là bước đầu để giải tỏa áp lực. Mỗi người có nhịp độ khác nhau trong cuộc đời, và không có con đường nào là “đúng nhất”. Hơn nữa, việc nhìn nhận tuổi tác không nên gắn liền với sự chấm dứt mà là một khởi đầu mới.

Hãy học cách đặt ra những mục tiêu cá nhân thay vì chạy theo chuẩn mực xã hội. Đừng quên đầu tư vào sức khỏe thể chất và tinh thần, vì một cơ thể khỏe mạnh sẽ giúp chúng ta tự tin đối diện với tương lai.

Cuối cùng, tìm kiếm sự kết nối và cảm thông từ những người bạn đồng trang lứa cũng là cách giúp giảm áp lực. Không ai đơn độc trong cuộc hành trình này – ai cũng có những lo âu riêng, dù ở bất kỳ độ tuổi nào. Điều quan trọng là chúng ta cùng học cách chấp nhận và tận hưởng từng khoảnh khắc trong cuộc đời mình.

“Có khi nào?” thường tập trung vào những câu hỏi, giả định không hiển nhiên hoặc ngược lại với nhận thức phổ biến. Cách tiếp cận của series này là khám phá và giải thích những điều tưởng chừng phi lý nhưng lại có lý, hoặc liên kết những thứ mà chúng ta đã không để tâm đến quá nhiều.

Có khi nào: Áp lực “Con nhà người ta” đã trở thành thước đo của cuộc đời mình? – Doctor247

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận