Chủ đề
Chế độ ăn giúp giảm sắt trong não có thể làm chậm suy giảm nhận thức
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Kentucky phát hiện rằng việc đưa một số dưỡng chất nhất định vào chế độ ăn thường nhật có thể giảm sự tích tụ sắt trong não – một yếu tố liên quan đến suy giảm nhận thức trong quá trình lão hóa bình thường.
Nguồn gốc nghiên cứu về sắt non-heme với não
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Neurobiology of Aging. Việc hiểu rõ chế độ ăn và các yếu tố lối sống tác động thế nào đến nguy cơ mắc Alzheimer và các chứng sa sút trí tuệ liên quan trong quá trình lão hóa là rất quan trọng.
Giáo sư Brian Gold, Ph.D., thuộc Khoa Thần kinh, Trường Y, đồng thời là thành viên Trung tâm Lão khoa Sanders-Brown và là nghiên cứu viên chính, cho biết: “Nghiên cứu này là một ví dụ về cách chúng ta có thể khuyến khích lựa chọn lối sống lành mạnh hơn để đối phó với những yếu tố nguy cơ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe não bộ.”
Trong dự án này, các nhà nghiên cứu tập trung vào sắt non-heme, một dạng sắt quan trọng đối với sức khỏe não. Tuy nhiên, sắt non-heme không liên kết với các protein dự trữ và khi tích tụ quá nhiều theo thời gian, nó có thể gây stress oxy hóa, từ đó ảnh hưởng đến cấu trúc tế bào thần kinh và nhận thức. Lượng sắt dư thừa trong não đã được chứng minh liên quan đến kết quả nhận thức kém, ngay cả ở những người cao tuổi bình thường.
Theo tiến sĩ Valentinos Zachariou, trợ lý giáo sư tại Khoa Khoa học Hành vi, Trường Y, và là tác giả chính của nghiên cứu, chia sẻ: “Mặc dù ngày càng có nhiều bằng chứng nối kết tình trạng thừa sắt với hậu quả nhận thức tiêu cực, nhưng hiện chưa có phương pháp được công nhận rộng rãi để giảm tích tụ sắt trong não ở người lớn tuổi.”
Nghiên cứu này kế thừa công trình trước đó của nhóm. Trong đó phát hiện lượng tiêu thụ cao chất chống oxy hóa, vitamin, dưỡng chất chelating sắt và axit béo không bão hòa đa có liên hệ đến mức sắt trong não thấp hơn và khả năng trí nhớ công việc (working memory) tốt hơn.
Kết quả của tác động
Để tiếp tục, nhóm tiến hành đánh giá lại nồng độ sắt trong não khoảng ba năm sau đó trên cùng một nhóm người cao tuổi. Họ sử dụng kỹ thuật chụp MRI đặc thù gọi là “quantitative susceptibility mapping” để đo lường. Nhóm nghiên cứu cũng phân tích dữ liệu chế độ ăn trong vòng một tháng và đánh giá khả năng nhận thức qua các bài kiểm tra thần kinh tâm lý về trí nhớ sự kiện (episodic memory) và chức năng điều hành (executive function).
Kết quả cho thấy một mạng lưới rộng các vùng vỏ não và dưới vỏ não có sự gia tăng tích tụ sắt trong khoảng thời gian ba năm. Sự gia tăng này liên quan đến khả năng ghi nhớ sự kiện và chức năng điều hành kém hơn ở thời điểm đánh giá lại.
Tuy nhiên, những người có mức tiêu thụ chất chống oxy hóa, vitamin, dưỡng chất chelating sắt và axit béo không bão hòa đa cao hơn ở thời điểm ban đầu lại có mức tăng sắt trong não ít hơn đáng kể trong ba năm.
Nhóm nghiên cứu cho biết những phát hiện này mở ra hướng đi cho các thử nghiệm lâm sàng nhằm đánh giá tác động của việc tăng cường hấp thụ dưỡng chất tương tự lên sự tích tụ sắt trong não và chức năng nhận thức. Việc nghiên cứu sâu hơn về tích tụ sắt và tác động nhận thức của các chế độ ăn khỏe mạnh, giàu dưỡng chất được đề cập như Địa Trung Hải hay DASH, sẽ mang lại nhiều lợi ích trong tương lai.
Theo Neuroscience