Chủ đề
Ăn bánh trung thu bị tiêu chảy vì… đường thay thế
Một cháu bé 6 tuổi ở Thủ Đức đã tử vong, hàng chục trẻ bị tiêu chảy, trước đó các cháu đều ăn bánh trung thu. Hiện chưa có thống kê đầy đủ số lượng bệnh nhân và chưa có kết luận chính xác nguyên nhân. Cơ quan chức năng đang tích cực điều tra.
Bản thân tôi rất ghét đồ ngọt, nhưng trung thu năm nay là ngoại lệ, người bạn thân tặng hộp bánh quý của một hãng nổi tiếng. Ấn tượng đầu tiên của tôi với hộp bánh là “công thức không đường”. Tìm hiểu tôi mới biết, hoá ra Việt Nam đã cập nhật với tiến bộ của thế giới rất nhanh, thị trường bánh trung thu nói riêng và các đồ ăn thức uống ngọt nói chung, đã áp dụng tương đối phổ biến “công thức không đường”, giúp các bệnh nhân tiểu đường yên tâm, đặc biệt là những tín đồ “ưa sự ngọt ngào” không phải lo lắng vì ăn đường.
Đêm trung thu tôi cắt bánh.
Ăn xong một miếng nhỏ, tôi thấy mùi vị hơi khác so với bánh trung thu trước đây tôi ăn. Phải một lúc sau, hàng loạt công thức hoá học chạy trong đầu, thì tôi mới nhận biết được miếng bánh vừa ăn đã sử dụng “đường thay thế”.
Con gái 7 tuổi cũng muốn ăn, tôi cho con 1 miếng, còn lại 2 miếng tôi ăn nốt và chờ đợi, vì đường ruột của tôi khá nhạy cảm nên tôi biết trong đêm sẽ có vấn đề.
Khoảng ba giờ sáng tôi đau bụng quá.
Tiếp theo, tôi vào toilet liên tiếp ba lần, con gái thì vẫn thấy ngủ ngon. Cả ngày hôm đó tôi không ăn gì. Ở bệnh viện chỉ uống nước lọc. Về nhà cũng chỉ uống nước đun sôi để nguội. Hai con đón trung thu ở trường cùng với bạn về muộn nên không cơm nước buổi tối. Chỉ 3 miếng bánh, đến 3 giờ sáng thì 3 cơn đau bụng, 3 lần ôm toilet.
Nguyên do ôm toilet là vì bánh trung thu?
Về mặt lí thuyết, câu trả lời là có, thực sự có. Các loại bánh trung thu dành cho người ăn kiêng, hay các loại đồ ăn ngọt như bánh kẹo, nước uống ngọt cũng thế, thậm chí các quán hàng ăn, đã bắt đầu sử dụng “đường thay thế”.
Các sản phẩm đường thay thế gồm: maltitol, sorbitol, xylitol, erythritol, isomalt và lactitol…
Những thành phần này có thể được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm “không đường”, chẳng hạn như bánh quy, kẹo, bánh ngọt, thạch, sữa chua, sữa có hương vị, trà sữa, hay các đồ ăn nhẹ ngọt hàng ngày khác.
Chúng ta hiểu đơn giản rằng, loại đường thay thế này không phải là đường thật, mà là một loại chất hoá học carbohydrate có vị ngọt. Cách nó được chuyển hóa trong cơ thể hoàn toàn khác với đường.
Carbonhydrate ngọt này có hai ưu điểm: Không hấp thụ được hoàn toàn trong ruột và lượng calo thấp hơn đường thật.
Nhược điểm là gây tiêu chảy.
Do chất carbonhydrate thay thế đường không được hấp thụ hoàn toàn, vẫn còn trong ruột nên sự hiện diện của chúng sẽ làm tăng áp suất thẩm thấu, dẫn đến tăng hút nước vào lòng ruột, dẫn đến tiêu chảy.
Ngoài việc hấp thụ nước vào lòng ruột, các vi sinh vật trong ruột cũng lấy carbonhydrate làm thức ăn ưa thích của chúng. Quá trình lên men của vi sinh vật làm tăng sản xuất khí trong ruột, đồng thời hoạt động quá mức của vi sinh vật cũng có thể gây ra một số phản ứng trong ruột. Đó là những lí do gây tình trạng chướng bụng, đầy hơi, rồi đau bụng.
Như vậy, dưới tác dụng kép của nước và khí trong lòng ruột, dẫn đến các triệu chứng chướng bụng, đầy hơi, đau bụng và đi ngoài phân lỏng toé nước.
Nhưng không phải ai cũng bị như vậy!
Thực tế, nhiều người vẫn ăn các sản phẩm ngọt “không đường” hàng ngày, nhưng họ không có chuyện gì.
Điều này liên quan đến cơ địa của mỗi người.
Một mặt, bản thân mỗi người có khả năng dung nạp chất thay thế đường carbonhydrate khác nhau. Mặt khác quan trọng hơn, có một số loại carbonhydrate có thể gây phản ứng nhạy cảm với một số người.
Việc một người ăn carbonhydrate thay thế đường có bị tiêu chảy hay không, ăn bao nhiêu thì bị, điều này phải thử mới biết, không ăn thử không trả lời được. Nó cũng giống như việc đa số người uống sữa không bị sao, nhưng có người sau khi uống sữa là bị tiêu chảy, thậm chí có người uống nửa cốc sẽ như tháo cống, có người uống hơn cốc mới bị.
Đến đây mọi người bắt đầu lo sợ?
Hãy bắt đầu với kết luận: Các sản phẩm carbonhydrate thay thế đường, nhìn chung là an toàn, nhưng người ăn phải chú ý đến số lượng ăn.
Đầu tiên cần phải nắm được các sản phẩm carbonhydrate thay thế đường có thể gây tiêu chảy gồm: maltitol, sorbitol, xylitol, erythritol, isomalt và lactitol…
Một số loại carbonhydrate thay thế đường khác nhờ khả năng dung nạp cao, nên không gây tiêu chảy, thường được cho vào đồ uống, ví dụ như aspartame, acesulfame kali, sucralose và steviol glycoside.
Thứ hai, bệnh tiêu chảy do carbonhydrate thay thế đường gây ra là “tiêu chảy thoáng qua”, tức là sau khi bạn đi ngoài toé nước vài lần sẽ không sao, về cơ bản không ảnh hưởng gì đến cơ thể.
Thứ ba, nguyên nhân chính của tiêu chảy là do cùng một lúc ăn quá nhiều carbonhydrate thay thế đường.
Các bạn hãy đọc trên bao bì, sau đó nhìn vào bảng trên và sẽ thấy, mannitol và lactitol có khả năng dung nạp tương đối thấp, chỉ cần ăn 5 gam là có thể gây tiêu chảy, nên hãy cẩn thận đừng ăn quá nhiều.
Điều đáng chú ý là trẻ em!
Với trẻ em, khả năng dung nạp có thể tương đối thấp, một người trưởng thành nặng 60 kg nếu tiêu thụ quá 45 gam maltitol mỗi ngày mới bị tiêu chảy, trong khi trẻ em 15 gam maltitol đã có thể gây tiêu chảy.
Trường hợp trẻ bị dung nạp kém, chỉ cần ăn 25 gam maltitol một lúc, là có thể bị tiêu chảy dữ dội.
Hiện nay, các quốc gia trên thế giới không hạn chế nghiêm ngặt với các sản phẩm carbonhydrate thay thế đường, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) khuyến nghị người dân nên kiểm thành phần thực phẩm ghi trên bao bì, để theo dõi tổng lượng rượu đường tiêu thụ hàng ngày.
Nói chung, hầu hết mọi người sẽ không bị tiêu chảy khi sử dụng đồ ăn thức uống có sản phẩm carbonhydrate thay thế đường, chỉ một số không may là bị. Cách tốt nhất là khi nhìn thấy dòng chữ “sugar-free” hoặc “0 Sugar” hoặc “không đường” hoặc quảng cáo dành cho người ăn chay, người tiểu đường, thì bạn nhớ lật lại phía sau và nhìn vào bảng thành phần, nếu có từ “sugar Alcohol” xuất hiện thì hãy cẩn thận, mở bài viết này của tôi rồi đối chiếu xem nên ăn bao nhiêu để không bị tiêu chảy.
Cuối cùng, tôi chỉ mong rằng nhà sản xuất bánh trung thu, bánh quy, kẹo, bánh ngọt, thạch, sữa chua, sữa có hương vị, trà sữa, hay các đồ ăn nhẹ ngọt hàng ngày khác, hãy ghi rõ trên bao bì sử dụng chất carbonhydrate thay thế đường loại nào, ghi rõ khuyến cáo người lớn và trẻ em ăn bao nhiêu mỗi lần và bao nhiêu mỗi ngày, nếu ăn nhiều có thể bị tiêu chảy. Đừng tham bán hàng mà quên ghi hướng dẫn sử dụng, càng không nên làm những sản phẩm thật to, thật vĩ đại, sẽ rất không tốt cho sức khoẻ người tiêu dùng.
Tóm lại là ăn cũng phải đọc kĩ hướng dẫn sử dụng!
BS. Trần Văn Phúc
Nguồn: Facebook BS. Trần Văn Phúc