Chủ đề
Alô! Bác sĩ ơi! Bướu tuyến giáp có khả năng bị ung thư không?
Hiện nay tình trạng bệnh nhân mang các khối bướu cổ to hầu như còn rất ít. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân mắc bướu tuyến giáp chuyển sang ung thư có thể lên đến 15%.
* Mới đây, tôi siêu âm tuyến giáp thì phát hiện bướu 6mm. Bác sĩ kết luận tôi có nhân giáp thùy trái Tirads 4 và nang giáp thùy phải. Xin hỏi bác sĩ là tình trạng của tôi như vậy có đáng lo ngại không? Và có phải là ung thư hay không? Tôi cần phải làm gì? (Bà Nguyễn Thị Thảo, 65 tuổi, ngụ huyện Long Thành)
ThS-BS Trần Trung Kiên, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện đại học Y dược Shing Mark, trả lời:
Chào bác!
Khi siêu âm tuyến giáp, chúng ta thường bắt gặp phân độ Tirads các khối u tuyến giáp, vậy Tirads là gì?
Phân loại Tirads (viết tắt từ Thyroid Imaging Reporting and Data Systems). Đây là phân loại toàn cầu về tuyến giáp, bắt buộc và cần thiết khi bác sĩ siêu âm trả lời kết quả của siêu âm tuyến giáp. Phân loại Tirads trong siêu âm đánh giá nhân giáp để phân loại khả năng lành tính và ác tính của nhân tuyến giáp.
Phân loại Tirads có 5 độ với các mức độ nguy cơ ác tính như sau:
Tirads 1: chắc chắn lành tính
Tirads 2: không nghi ngờ ác tính
Tirads 3: nghi ngờ ác tính ít
Tirads 4: nghi ngờ vừa
Tirads 5: nghi ngờ cao
Dựa vào mức độ Tirads và kích thước khối u tuyến giáp, khám lâm sàng tuyến giáp các bác sĩ sẽ cho các xét nghiệm chẩn đoán tiếp theo và hướng dẫn điều trị phù hợp cho từng trường hợp bệnh nhân cụ thể.
Với trường hợp của bác, bướu 6mm thì nguy cơ ác tính ở mức vừa và tỷ lệ ác tính từ 5-15%. Tuy nhiên, bác nên chọc hút tế bào bằng kim nhỏ không (FNA) để xác định lại tình trạng bệnh của mình nhé.
Và dù phát hiện ra bệnh ung thư tuyến giáp rồi, bác cũng không cần lo lắng quá vì đây là loại ung thư có tỷ lệ chữa khỏi cao. Ung thư tuyến giáp hoàn toàn có thể điều trị thành công nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm, tiên lượng dành cho người bệnh ung thư tuyến giáp tốt hơn so với những loại ung thư khác.
Bác cần đến gặp bác sĩ có chuyên môn tư vấn, tránh tình trạng tin vào các lời khuyên dân gian, dùng các phương thức điều trị khác như: đắp lá, thuốc nam, thuốc bắc mà khi đến viện bệnh đã ở giai đoạn muộn không còn khả năng điều trị triệt căn. Như vậy, bác sẽ bỏ lỡ giai đoạn vàng để điều trị.
Theo Đồng Nai