Chủ đề
ADHD và Chủ nghĩa hoàn hảo: Mối liên hệ là gì?
Chủ nghĩa hoàn hảo (Perfectionism) không phải là triệu chứng chính thức của rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), nhưng lại khá phổ biến ở những người mắc chứng này. Học cách vượt qua suy nghĩ tiêu cực, chấp nhận bản thân và đặt ra mục tiêu hợp lý sẽ giúp quản lý nó tốt hơn.
Chủ nghĩa hoàn hảo là gì?
Đây là một kiểu tính cách, tức là cách bạn thường nghĩ và hành xử trong cuộc sống. Dù cái tên gợi ý rằng phải làm mọi thứ “hoàn hảo,” nhưng thực tế nó bao gồm nhiều khía cạnh, chẳng hạn như:
- Đặt kỳ vọng cao cho bản thân
- Hay tự phê bình mình một cách nặng nề
- Khó giao việc cho người khác
- Luôn căng thẳng vì sợ mắc sai lầm
Những người xung quanh có thể nghĩ bạn đang cố gắng để mọi thứ luôn hoàn hảo, nhưng thật ra đây chỉ là cách bạn đối phó với những suy nghĩ và cảm xúc bên trong mình.
Chủ nghĩa hoàn hảo, ADHD và méo mó nhận thức
Mặc dù các triệu chứng tăng động, giảm chú ý và bốc đồng của ADHD dường như không liên quan đến chủ nghĩa hoàn hảo, nhưng đây lại là một trong những dạng phổ biến của sự méo mó nhận thức ở những người mắc rối loạn tăng động giảm chú ý.
Méo mó nhận thức là lối suy nghĩ sai lệch khiến bạn nhìn nhận sự việc không đúng với thực tế. Đây là một tình trạng khá phổ biến mà hầu hết mọi người đều từng trải qua ít nhất một vài lần.
Chủ nghĩa hoàn hảo cũng có thể được xem như một dạng méo mó nhận thức, đặc biệt khi nó bị thúc đẩy bởi:
- Kỳ vọng phi thực tế: Đặt ra những mục tiêu quá cao mà bản thân khó đạt được.
- Suy nghĩ cực đoan “hoặc tất cả hoặc không gì cả”: Nghĩ rằng chỉ cần mắc một sai lầm nhỏ, toàn bộ nỗ lực sẽ trở nên vô nghĩa.
- Niềm tin cứng nhắc: Không linh hoạt trong cách nhìn nhận và luôn đòi hỏi sự hoàn hảo tuyệt đối.
- Sự bù đắp thái quá: Luôn cảm thấy cần phải chứng tỏ giá trị của bản thân để nhận được sự công nhận.
Những kiểu suy nghĩ này không chỉ khiến bạn cảm thấy căng thẳng mà còn tạo áp lực lớn, ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và khả năng tận hưởng cuộc sống hàng ngày.
Tại sao người mắc rối loạn tăng động giảm chú ý dễ gặp chủ nghĩa hoàn hảo?
Dù triệu chứng tăng động, mất tập trung và bốc đồng nghe có vẻ trái ngược với chủ nghĩa hoàn hảo, nhưng hai điều này lại có liên quan chặt chẽ. Theo các chuyên gia, làm mọi thứ hoàn hảo có thể là cách mà người mắc ADHD đối phó với những khó khăn do bệnh gây ra.
Một số người mắc rối loạn tăng động giảm chú ý rơi vào trạng thái tập trung quá mức (hyperfocus), nghĩa là họ bị cuốn vào một việc và dành rất nhiều thời gian để hoàn thiện từng chi tiết nhỏ. Điều này đôi khi lại giống với Perfectionism.
Ngoài ra, nhiều người rối loạn tăng động giảm chú ý dùng chủ nghĩa hoàn hảo như cơ chế phòng vệ để tránh bị chỉ trích hoặc thất bại. Họ tin rằng nếu làm mọi thứ hoàn hảo, họ sẽ không bị người khác phê bình.
Những kiểu suy nghĩ sai lệch liên quan đến chủ nghĩa hoàn hảo
- Suy nghĩ cực đoan: “Nếu không làm hoàn hảo, mọi thứ sẽ hỏng bét.”
- Tự trách mình: “Mình thất bại vì mình không đủ giỏi.”
- Suy nghĩ ‘phải làm’: “Mình phải làm tốt hơn nữa.”
- Tưởng tượng điều tồi tệ nhất: “Nếu sai sót, mọi thứ sẽ tệ hại.”
Những kiểu suy nghĩ này khiến bạn luôn căng thẳng và khó cảm thấy hài lòng về bản thân.
Quản lý chủ nghĩa hoàn hảo ở người mắc ADHD
Chủ nghĩa hoàn hảo không hẳn là xấu. Nó có thể giúp bạn làm việc chỉn chu và kiên trì hơn. Nhưng nếu nó khiến bạn căng thẳng và kiệt sức, thì đã đến lúc tìm cách điều chỉnh.
Dưới đây là một số cách đơn giản để quản lý nó:
- Đối diện với suy nghĩ tiêu cực: Khi có suy nghĩ xấu, hãy tự hỏi: “Nếu một người bạn gặp chuyện này, mình sẽ khuyên họ thế nào?”
- Chia nhỏ công việc: Thay vì cố gắng làm mọi thứ một lúc, hãy bắt đầu với 2-3 việc nhỏ và hoàn thành từng bước.
- Chấp nhận bản thân: Nhìn vào điểm mạnh của mình như khả năng tư duy sáng tạo và giải quyết vấn đề. Viết ra những điểm mạnh này để củng cố niềm tin vào bản thân.
- Xây dựng thói quen tốt: Ngủ đủ giấc, ăn uống lành mạnh và tập thể dục đều đặn sẽ giúp bạn kiểm soát cảm xúc và giảm áp lực.
Dù chủ nghĩa hoàn hảo không phải là triệu chứng chính thức của rối loạn tăng động giảm chú ý, nhưng nó là trải nghiệm quen thuộc với nhiều người mắc chứng này.
Một số khía cạnh của Pefectionism bắt nguồn từ ảnh hưởng của ADHD đến não bộ, trong khi những khía cạnh khác xuất hiện vì người mắc cố gắng đối phó với những lời chỉ trích hoặc thất bại trước đây.
Hãy nhớ rằng chủ nghĩa hoàn hảo không hẳn là “tốt” hay “xấu”. Nếu nó khiến bạn cảm thấy căng thẳng, bạn hoàn toàn có thể học cách kiểm soát nó bằng cách chấp nhận bản thân, suy nghĩ tích cực hơn và thiết lập các thói quen giúp cân bằng cảm xúc.
Đọc thêm tại đây: Is Perfectionism a Sign of ADHD?