Chủ đề
8 kết quả nổi bật của Ngành Y tế trong năm 2024
Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2025 được tổ chức vào ngày 24/12/2024, với sự tham gia của nhiều đại biểu tại điểm cầu Trung ương và 63 tỉnh, thành phố. Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã phát biểu chỉ đạo, ghi nhận những thành tựu nổi bật của ngành trong năm qua.
8 kết quả nổi bật của Ngành Y tế
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu khai mạc, nhấn mạnh rằng năm 2024 là một năm đầy thách thức với biến đổi khí hậu, dịch bệnh, và các vấn đề an ninh phi truyền thống. Tuy nhiên, ngành Y tế đã nỗ lực, đoàn kết để hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng, góp phần vào thành tựu chung của đất nước. Nổi bật nhất là 8 kết quả chính:
1. Ngành Y tế đã hoàn thành 03/03 chỉ tiêu kinh tế – xã hội chủ yếu năm 2024 được Quốc hội giao, trong đó vượt 02 chỉ tiêu được giao về số bác sĩ/vạn dân và số giường bệnh/vạn dân, đạt chỉ tiêu về tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế; cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu lớn của ngành, lĩnh vực năm 2024 được Chính phủ giao;
2. Công tác chỉ đạo, điều hành được thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Bộ Y tế đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, tháo gỡ dần các khó khăn, vướng mắc, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ, nhất là trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế; phòng, chống dịch bệnh; bảo đảm an toàn thực phẩm; giải quyết tình trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế; cải cách hành chính; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc triển khai các chương trình, dự án…;
3. Công tác xây dựng thể chế tiếp tục được chú trọng và tập trung hoàn thiện. Đặc biệt, trong năm 2024, lần đầu tiên Bộ Y tế đã xây dựng, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua 02 Luật trong một kỳ họp: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
4. Các dịch bệnh truyền nhiễm tiếp tục được kiểm soát, Bộ Y tế tập trung cùng với chính quyền địa phương bảo đảm công tác tiêm chủng vắc xin phòng bệnh; phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm lưu hành, các dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi. Bên cạnh đó, công tác phòng, chống các bệnh không lây nhiễm ngày càng được chú trọng, quan tâm; nhiều hoạt động cộng đồng về dự phòng, vệ sinh môi trường, nâng cao sức khỏe, dinh dưỡng, rèn luyện thể lực được tăng cường;
5. Chất lượng và hiệu quả công tác khám bệnh, chữa bệnh ngày càng được nâng cao. Quán triệt quan điểm “lấy người bệnh làm trung tâm” để triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ, sự hài lòng của người bệnh. Hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tiếp tục được củng cố và phát triển; năm 2024 cũng ghi nhận nhiều bệnh viện đạt được các giải thưởng uy tín về đánh giá chất lượng bệnh viện của trong và ngoài nước.
6. Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án về công tác dân số; trọng tâm là Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030; chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030; đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh…, góp phần kéo dài và tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số;
7. Cơ cấu tổ chức bộ máy tiếp tục hoàn thiện; triển khai nhiều giải pháp đồng bộ phát triển y tế cơ sở theo nội dung Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25/10/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới; Nghị quyết số 99/2023/QH15 của Quốc hội. Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2050. Hoàn thiện Đề án thành lập Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật (CDC) Trung ương, đề án sắp xếp các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế;
8. Tập trung giải quyết các vướng mắc, triển khai các dự án xây dựng các cơ sở y tế để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh phục vụ nhân dân; tập trung công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số y tế.
Thành tựu đi kèm thách thức
Bên cạnh những thành tựu đạt được, Bộ cũng chỉ ra những thách thức, khó khăn do cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, trên thực tiễn cần được khắc phục. Cụ thể, mạng lưới y tế cơ sở tiếp cận các bệnh viện Trung ương, tuyến cuối về chuyên môn kỹ thuật ở một số khu vực còn hạn chế; hệ thống văn bản pháp luật còn chưa đồng bộ…
Một số dịch bệnh truyền nhiễm lưu hành vẫn có nguy cơ cao, các bệnh không lây nhiễm có xu hướng tăng. Quản lý chất lượng đào tạo nhân lực y tế chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế và hội nhập khu vực, quốc tế. Số lượng sinh viên, học viên sau đại học y tăng lên nhiều lần, tuy nhiên số lượng bệnh viện thực hành hầu như không tăng, cơ hội cho sinh viên, học viên tiếp xúc với bệnh nhân giảm rõ rệt.
Kết thúc hội nghị, Bộ trưởng Đào Hồng Lan phát động phong trào thi đua “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, phát triển”, kêu gọi toàn ngành nỗ lực vượt khó, tận tâm vì người bệnh và hoàn thành tốt nhiệm vụ trong năm 2025.
Theo Bộ Y tế