Chủ đề
8 cách để thực hành chánh niệm trong ăn uống
Ngay cả một công việc thoạt nhìn có vẻ tầm thường như chuẩn bị bữa ăn kế tiếp cũng có thể trở thành cơ hội để thực hành chánh niệm, chậm lại và tận hưởng khoảnh khắc. Tuy nhiên, nuôi dưỡng một “mối quan hệ” như vậy với việc nấu nướng không phải lúc nào cũng dễ dàng.
Đừng quá tham vọng
Trước đây, mỗi lần hứng thú lên kế hoạch cho bữa kế tiếp, đa phần chúng ta thường nghĩ ra một thực đơn cầu kỳ, nhiều món. Tuy nhiên, chắc hẳn, gần như lần nào cũng xảy ra trục trặc.
Đôi khi, thời gian sơ chế lâu hơn dự kiến và sau đó lại phải dọn bữa ăn muộn đến vài tiếng. Hay những lúc khác, có khi lại không canh thời gian hợp lý, khiến món chính nguội lạnh trong khi chờ các món phụ chín. Cũng có khi lại làm đổ, nêm mặn quá hay cháy khét.
Để khắc phục, hãy giữ cho mọi thứ trở nên đơn giản hóa. Bạn có thể quan niệm rằng, thà nấu một món thật tốt và không có chút áp lực nào, còn hơn chuẩn bị một bàn tiệc cầu kỳ mà khiến bản thân căng thẳng.
Ăn uống “đa sắc màu”
Một cách đơn giản để làm cho món ăn thêm thú vị và có tính chánh niệm là chú ý đến màu sắc của nguyên liệu. Ăn một món chỉ có màu be đơn điệu kém hấp dẫn hơn nhiều so với việc thêm chút màu xanh lá, chút đỏ tươi, hay chút vàng rực.
Việc thêm màu sắc vào bữa ăn giúp các giác quan tham gia vào trải nghiệm. Mắt bạn cũng đồng thời được chiêm ngưỡng và tận hưởng món ăn không kém gì vị giác.
Hơn nữa, ăn đa dạng màu sắc cũng giúp bạn nhận được nguồn dinh dưỡng phong phú và nhiều loại phytonutrients. Thực phẩm màu đỏ, tím, vàng, xanh, thậm chí trắng đều cung cấp vô vàn vitamin và khoáng chất mà cơ thể cần. Một số màu sắc còn có thể giúp ngăn ngừa bệnh tật.
Lần tới, khi bạn làm món trứng ốp lết rau chân vịt, hãy để ý xem cảm giác thỏa mãn thế nào khi thêm vào sắc đỏ tươi của cà chua bi, hay chút trắng vụn của pho mát feta. Chánh niệm bao gồm việc tận hưởng vẻ đẹp trong những điều bình dị hằng ngày. Chú ý đến màu sắc món ăn là một cách để đánh thức giác quan, tận hưởng niềm vui của bữa ăn.
Học cách yêu những chuyển động khuấy đảo
Bạn có nhờ trong Karate Kid, hình ảnh người thầy ẩn mình nhiều năm chỉ để… đánh bóng chiếc xe. Dù là bạn đang đảo hành trong chảo, trộn gia vị vào súp hay với những ai là “cao thủ” đánh kem tươi thành lớp phủ bông mịn, những động tác lặp đi lặp lại trong nấu ăn chính là cơ hội để bạn “chìm sâu”, tập trung và tận hưởng.
Đúng, có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn bạn muốn, cánh tay có thể mỏi, con bạn có thể hỏi đến lần thứ ba xem khi nào thì bữa tối sẵn sàng. Nhưng, thay vì để sự sốt ruột xâm chiếm, hãy xem đây là cơ hội để hiện diện hoàn toàn.
Hãy hít thở mùi thơm của gia vị đang sôi, cảm nhận hơi ấm từ ngọn lửa dưới chảo, hoặc quan sát những bong bóng nước dần xuất hiện rồi sôi sùng sục. Bằng việc dành toàn bộ sự chú ý cho công việc, bạn sẽ nhận ra vô số điều kỳ diệu nằm sau “nhiệm vụ” nấu nướng.
Chánh niệm để cảm nhận cơ thể
Không chỉ món ăn mới xứng đáng nhận được sự chú ý. Cơ thể bạn cũng đang hiện diện, cho phép bạn làm nên bữa ăn ngay từ đầu.
Khi đứng trước món ăn đang chế biến, hãy dành một khoảnh khắc để cảm nhận đôi chân chạm vào sàn. Nếu bạn đang ngồi, hãy cảm nhận sự vững chãi của xương ngồi trên ghế. Cảm nhận sự ổn định từ ý thức đó. Quan sát cảm giác trong cơ thể khi bạn nấu.
Dạ dày bạn có đang gầm gừ vì mong chờ? Miệng bạn có tiết nước bọt không? Quá trình này có mang đến sự ấm áp nơi lồng ngực? Không có đúng hay sai. Việc kết nối với cảm giác cơ thể khi nấu ăn đơn giản là một cách khác để đưa bạn về hiện tại.
Chú ý hơi thở
Tương tự việc nhận biết cơ thể, nấu ăn là cơ hội tuyệt vời để để ý đến nhịp thở. Khi vội vàng nấu cho xong, bạn có thể nhận ra hơi thở cạn và ngắn. Đó là vì sự tập trung vào kết quả hơn là tận hưởng quá trình.
Khi bạn thư giãn và cho phép mình hòa vào việc nấu nướng, hơi thở trở nên sâu, nhịp nhàng. Hãy cảm nhận hơi thở len đầy bụng và ngực, và việc hít thở trở nên thật dễ chịu, êm ái. Quan sát hơi thở ra và vào, rồi để bản thân tan vào dòng chảy, chỉ còn cảm nhận hơi thở tự nhiên.
Bạn thậm chí có thể điều phối hơi thở với một động tác, ví dụ hít vào khi đưa cây cán bột lên, thở ra khi hạ xuống.
Cho thời gian ngừng trôi
Điều này có thể đòi hỏi bạn sắp xếp nhiều thời gian hơn cần thiết, để bạn không phải liên tục nhìn đồng hồ. Bằng cách đó, bạn có thể chuyển từ việc này sang việc khác mà không mang cảm giác rằng các thành viên trong gia đình đang sốt ruột chờ.
Enzyme tiêu hóa bắt đầu tiết ra ngay khi mắt ta nhìn thấy thức ăn và mũi ta ngửi được hương thơm. Điều này có nghĩa giác quan đóng vai trò quan trọng trong tiêu hóa. Nếu bạn nấu cho bản thân, hãy bắt đầu sớm trước khi bạn thực sự đói. Rất có thể bạn sẽ sẵn sàng ăn đúng lúc thức ăn vừa dọn ra bàn.
Khi đã đến lúc ngồi xuống bàn, hãy ăn chậm lại. Nhai kỹ và đều đặn để cảm nhận trọn vẹn từng miếng ăn, kéo dài sự thích thú. Dành thời gian để nếm từng sắc thái hương vị khi chúng chạm vào lưỡi bạn và ngửi hương thơm bay lên từ đĩa.
Hãy đầu tư ít nhất 20 phút cho quá trình ăn, từ lúc bắt đầu đến khi kết thúc.
Trang hoàng không gian
Hãy biến việc nấu ăn thành một “nghi thức” từ đầu đến cuối. Bắt đầu bằng cách đặt một bó hoa trên bàn để mang chút ấm áp cho không gian.
Hãy đưa cả thính giác vào quá trình, bật bản nhạc yêu thích và nhún nhảy nhẹ nhàng khi bạn đảo món. Đảm bảo âm lượng đủ nhỏ để bạn có thể nghe tiếng xèo xèo, sôi lăn tăn của thức ăn, vì chính những âm thanh này cũng là một dạng “âm nhạc”, kích thích tiêu hóa.
Tìm “dòng chảy” của riêng mình
Bất kể điều gì khiến bạn hứng thú, hãy để bản thân chìm đắm trong quá trình nấu. Trong các cuốn sách “Beyond Boredom and Anxiety” và “Flow: The Psychology of Optimal Experience,” nhà tâm lý học Mihaly Csikszentmihalyi (Mỹ – Hungari) định nghĩa “dòng chảy” là “trạng thái tận hưởng tột độ, tập trung tràn đầy năng lượng và tập trung sáng tạo, mà con người có được khi tham gia vào ‘trò chơi’ của người trưởng thành”. Đây là nền tảng cho một cách tiếp cận sống sáng tạo và phong phú.
Một nghiên cứu năm 2011 cho thấy rằng trạng thái dòng chảy có thể cải thiện khả năng nhận thức ở người lớn tuổi. Một nghiên cứu khác chỉ ra dòng chảy giúp cải thiện động lực, rèn kỹ năng và nâng cao hiệu suất. Công trình của Csikszentmihalyi cũng được nhắc đến trong các nghiên cứu gần đây, cho thấy dòng chảy thậm chí có thể được đo bằng điện não đồ (EEG).
Bằng cách xem việc nấu ăn như một trò chơi, bạn có thể tạo ra trạng thái dòng chảy cho riêng mình.
Biến nấu ăn thành một nghi thức
Nấu ăn là cơ hội hàng ngày để thực hành chánh niệm. Thay vì xem đó là việc vặt, ta có thể đón nhận nó như một cơ hội để trở nên hiện diện hơn.
Những thực hành kết hợp thiền định với các hoạt động thường nhật là những phương pháp mạnh mẽ nhất. Chúng dạy ta cách hòa vào hiện tại, dù ta đang làm bất cứ việc gì.
Một câu ngạn ngữ Phật giáo mà tôi rất thích khuyên rằng: “Trước khi giác ngộ, chẻ củi, gánh nước. Sau khi giác ngộ, chẻ củi, gánh nước.” Câu này ngụ ý rằng sự hiện diện không đến từ những hoàn cảnh phi thường. Thay vào đó, nó bộc lộ tự nhiên từ sự giản dị và kỳ diệu trong cuộc sống thường ngày.
Theo Healthline