7 Triệu chứng stress ở nữ giới cần đặc biệt chú ý  - Doctor247

7 Triệu chứng stress ở nữ giới cần đặc biệt chú ý 

Phụ nữ ngày nay đang đối mặt với mất ngủ, đau đầu và áp lực căng thẳng. Cần can thiệp và khắc phục sớm để giúp phái đẹp vượt qua tình trạng này.

Vì sao nữ giới dễ bị stress hơn nam giới?

Stress là một trạng thái căng thẳng thần kinh thường xảy ra khi chúng ta phải đối diện với những áp lực, mệt mỏi, khó khăn trong cuộc sống hàng ngày. Đặc biệt với cuộc sống bận rộn và nhiều áp lực như hiện nay, con người càng có nhiều nguy cơ phải đối diện với stress trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống.

triệu chứng stress ở nữ giới
Việc phải đảm đương quá nhiều vai trò khác nhau trong đời sống khiến tỷ lệ nữ giới bị stress càng gia tăng.

Theo đó, nguy cơ stress ở phụ nữ lại cao gấp 2 lần so với nam giới. Các chuyên gia tâm lý cho biết rằng, phụ nữ thường xuyên phải trải qua những thay đổi về mặt thể chất, đồng thời họ cũng là người có sự nhạy cảm, yếu đuối hơn nên dễ dàng rơi vào trạng thái căng thẳng do các áp lực, khó khăn trong đời sống hàng ngày.

Cụ thể một số nguyên nhân có thể khiến cho phụ nữ dễ bị stress hơn đàn ông như:

  • Áp lực quá nhiều vai trò: Phụ nữ hiện đại ngày nay không chỉ đảm đương việc bếp núc mà họ còn có sự đóng góp to lớn đối với xã hội, nắm giữ nhiều vị trí quan trọng trong doanh nghiệp, công sở. Việc phải đảm nhiệm quá nhiều các vai trò khác nhau có thể khiến cho nhiều chị em cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng và suy nhược cả về thể chất lẫn tinh thần.
  • Sự thay đổi của nội tiết tố: Rối loạn nội tiết tố là một trong các nguyên nhân phổ biến gây nên stress ở nữ giới. Đặc biệt là trong thời kỳ dậy thì, chu kỳ kinh nguyệt, mang thai, sau sinh, tiền mãn kinh, mãn kinh sẽ khiến cho nội tiết tố bị thay đổi đột ngột và gây ra các bất ổn về mặt cảm xúc, nguy cơ stress sẽ tăng cao hơn.
  • Sự nhạy cảm quá mức: Thông thường, phụ nữ sẽ có sự nhạy cảm và yếu đuối hơn so với cánh mày râu nên việc họ dễ bị tổn thương trước những tác động tiêu cực của cuộc sống cũng là điều dễ hiểu. Ngoài ra, đặc điểm tính cách của nhiều chị em thường hay lo nghĩ, dễ xuất hiện các cảm xúc tiêu cực nên cũng sẽ có khả năng bị stress cao hơn bình thường.
  • Stress do chăm con: Mặc dù hiện nay vai trò của người phụ nữ đã được nâng cao và thay đổi nhưng phần lớn việc chăm sóc con cái thường sẽ được đặt ở người vợ. Các áp lực chăm con, tài chính gia đình cũng có thể khiến cho nhiều chị em cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng liên tục.
  • Chế độ ăn uống thiếu dinh dưỡng: Đây là nguyên nhân gây stress của hầu hết mọi lứa tuổi và giới tính nhưng phần lớn lại xuất hiện nhiều ở nữ giới. Đồng thời, khi càng căng thẳng, phụ nữ sẽ càng có nhiều xu hướng muốn ăn nhiều hơn, đặc biệt là các thực phẩm ngọt, nhiều đường khiến cho tình trạng stress càng trở nên nghiêm trọng.
  • Do thói quen sinh hoạt kém lành mạnh: Thức khuya, làm việc quá sức, lạm dụng mạng xã hội, ăn uống không điều độ, lười vận động,…cũng có thể là các nguyên nhân khiến cho nhiều nữ giới rơi vào trạng thái stress, lo lắng quá mức.

Các triệu chứng nhận biết stress ở nữ giới

Các biểu hiện stress ở nữ giới rất đa dạng, tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, mức độ căng thẳng mà người bệnh sẽ có các triệu chứng riêng biệt. Mặc dù stress không phải là trạng thái tiêu cực hoàn toàn nhưng nếu stress kéo dài dai dẳng và không có biện pháp can thiệp, giải tỏa phù hợp sẽ gây nên nhiều ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe, sinh hoạt đời sống của phái yếu, khiến họ khó có thể duy trì tốt quá trình học tập, làm việc cùng các vai trò khác trong cuộc sống hàng ngày.

Do đó, việc nhận biết các triệu chứng stress ở nữ giới sẽ góp phần quan trọng đối với quá trình tìm kiếm phương pháp hỗ trợ khắc phục, cải thiện phù hợp. Ngay khi nhận thấy các dấu hiệu stress kéo dài, người bệnh cần nhanh chóng tìm cách để giải tỏa cảm xúc tiêu cực, cân bằng cuộc sống để hạn chế các hệ lụy nguy hiểm có thể xảy ra.

Dưới đây là một số triệu chứng thường gặp khi nữ giới bị stress như:

1. Thường xuyên mệt mỏi, thiếu năng lượng

Đây được xem là một trong các triệu chứng đặc trưng và thường gặp nhất ở hầu hết các chị em đang rơi vào trạng thái căng thẳng, lo lắng quá mức. Họ sẽ liên tục cảm thấy mệt mỏi, cơ thể thiếu năng lượng và không có động lực để bắt đầu bất kỳ công việc gì, kể cả những sinh hoạt hàng ngày.

triệu chứng stress ở nữ giới
Stress khiến nữ giới liên tục cảm thấy mệt mỏi, thiếu năng lượng và động lực làm việc.

Những áp lực tinh thần đè nặng lên tâm trí của con người và kéo dài trong một khoảng thời gian sẽ khiến cho cơ thể dần bị suy nhược, sức khỏe không được đảm bảo. Những trường hợp này thường thức dậy với một trạng thái uể oải, ủ rũ, trầm tư và không có xu hướng muốn bắt đầu các hoạt động đời sống. Thậm chí còn có nhiều người phải liên tục đối mặt với những vấn đề sức khỏe thể chất do sức đề kháng của cơ thể không được đảm bảo.

2. Mất tập trung

Stress là nguyên nhân phổ biến nhất khiến cho nhiều người mất tập trung, suy giảm khả năng ghi nhớ. Theo chia sẻ của các chuyên gia thì stress nếu duy trì ở mức độ vừa phải thì sẽ trở thành động lực để thúc đẩy sự phát triển, nỗ lực của con người. Ngược lại, nếu stress kéo dài và biểu hiện ở mức độ cao thì nó chính là lý do lớn nhất khiến cho chúng ta khó có thể tập trung vào công việc, không thể hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ theo đúng lộ trình.

Stress là tình trạng căng thẳng thần kinh khiến cho não bộ không thể duy trì tốt các hoạt động thường ngày. Cũng chính vì thế mà việc tập trung khi bị stress trở nên khó khăn, người bệnh dường như không thể dồn hết tâm trí để hoàn thành một công việc nào đó, họ dễ mắc phải sai lầm và gặp nhiều cản trở trong việc đưa ra lựa chọn, quyết định hàng ngày.

3. Hay đau đầu, nhức mỏi chân tay, toàn thân

Phụ nữ nếu liên tục rơi vào trạng thái stress và không có biện pháp khắc phục, giải tỏa tốt sẽ phải đối mặt với hàng loạt các vấn đề sức khỏe thể chất. Dựa vào kết quả nghiên cứu nhận thấy rằng, stress gây áp lực lên toàn bộ cơ thể của phái nữ và nó sẽ thúc đẩy sự hình thành của phản ứng sinh tồn. Lúc này cơ thể sẽ phản ứng lại bằng các biểu hiện về thể chất như tăng nhịp tim, huyết áp, giảm lưu lượng tuần hoàn máu,….

triệu chứng stress ở nữ giới
Stress kéo dài gây ra những cơn đau đầu dữ dội.

Chính vì thế mà có hơn 80% các trường hợp stress ở nữ giới xuất hiện những triệu chứng đau nhức, mệt mỏi dữ dội. Người bệnh sẽ thường xuyên than vãn về tình trạng đau đầu, đau nửa đầu, đau nhức cơ thể, chân tay, chóng mặt, buồn nôn, mắc ói, khó tiêu, khó thở,….

4. Mất ngủ kéo dài

Mất ngủ và stress là hai vấn đề sức khỏe có mối quan hệ vô cùng mật thiết với nhau. Theo đó, các chuyên gia tâm lý cho biết rằng, mất ngủ kéo dài chính là nguyên nhân phổ biến gây ra căng thẳng, stress, trầm cảm. Ngược lại, phần lớn những người bị stress đều có xuất hiện triệu chứng rối loạn giấc ngủ, chủ yếu là mất ngủ, ngủ không ngon giấc, hay mơ gặp ác mộng.

Sự lo lắng, buồn phiền đeo bám tâm trí khiến cho người bệnh khó có thể đi vào giấc ngủ một cách trọn vẹn. Nhiều người thường trằn trọc không ngủ đủ giấc, hay giật mình tỉnh giấc trong đêm và khó có thể ngủ lại. Chính vì sự suy giảm về chất lượng giấc ngủ nên khi bị stress, nữ giới thường sẽ cảm thấy mệt mỏi, chán chường, thiếu năng lượng vào buổi sáng, đặc biệt là khi về chiều.

5. Dễ xúc động, nhạy cảm

Nhạy cảm là một trong các triệu chứng đặc trưng của nhiều nữ giới khi bị stress. Lúc này họ sẽ gặp phải nhiều khó khăn trong việc kiểm soát cảm xúc của chính mình, dễ xúc động, khóc lóc hoặc kích động, cáu gắt, nóng giận với mọi thứ xảy ra xung quanh, kể cả những việc vô cùng nhỏ nhặt, đơn giản.

Việc mất kiểm soát về cảm xúc cũng khiến cho nhiều chị em cảm thấy bất lực, mệt mỏi. Họ có thể liên tục bật khóc, tự trách móc bản thân, tự đổ lỗi cho chính mình và hình thành hàng loạt các cảm xúc tiêu cực, bi quan khác.

6. Rối loạn kinh nguyệt

Không giống với các đấng mày râu, khi bị stress, chị em thường phải đối diện với những sự thay đổi bất thường về nội tiết tố và đây cũng chính là nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ gây căng thẳng ở nữ giới. Theo đó, khi tình trạng stress kéo dài sẽ tạo nên sự rối loạn vùng dưới đồi, dẫn đến những sự bất ổn trong quá trình sản xuất các loại hormone cần thiết cho cơ thể. Cũng chính vì thế mà phụ nữ sẽ thường xuyên bị rối loạn kinh nguyệt do stress.

triệu chứng stress ở nữ giới
Rối loạn kinh nguyệt là một trong các triệu chứng stress đặc trưng ở nữ giới.

Theo chia sẻ của các nhà khoa học thì stress có thể gây mất kinh, chậm kinh, đau bụng kinh dữ dội,….khiến cho quá trình sinh hoạt của nữ giới gặp phải nhiều trở ngại. Không những thế, tình trạng này còn có thể dẫn đến việc nổi mụn, khiến da dẻ trở nên sần sùi, sạm màu hơn.

7. Rối loạn ăn uống, tiêu hóa

Rối loạn tiêu hóa là một trong các vấn đề thường gặp phải ở nhiều người bị stress, đặc biệt là ở nữ giới. Theo khảo sát nhận thấy rằng, khi rơi vào trạng thái căng thẳng, lo lắng tột độ sẽ khiến cho nhiều người cảm thấy chán ăn, ăn không ngon miệng, thường xuyên bỏ bữa. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp ăn uống quá mức, dung nạp các loại thực phẩm béo, chứa nhiều đường với mục đích giải tỏa căng thẳng.

Việc ăn uống không được đảm bảo chính là lý do khiến người bệnh phải đối mặt với hàng loạt các vấn đề liên quan đến tiêu hóa. Các chuyên gia cho biết rằng, khi cơ thể bị căng thẳng quá mức sẽ làm kích thích quá trình gia tăng tiết dịch vị của những dây thần kinh phế vị. Tình trạng này dẫn đến việc co bóp bất thường và có thể gây ra hiện tượng đau dạ dày, đau rát vùng thượng vị, trào ngược dạ dày, chướng bụng, đầy hơi, buồn nôn, nôn mửa, táo bón, tiêu chảy,….

Stress ảnh hưởng đến nữ giới như thế nào?

Các triệu chứng stress ở nữ giới nếu không sớm được khắc phục sẽ gây nên nhiều ảnh hưởng đối với sức khỏe tinh thần, thể chất và làm suy giảm cả về chất lượng cuộc sống của họ. Cụ thể một số hệ lụy có thể xảy ra như:

triệu chứng stress ở nữ giới
Stress ở nữ giới sẽ làm suy giảm nghiêm trọng về chất lượng cuộc sống của người bệnh.
  • Gia tăng nguy cơ phát triển các rối loạn tâm thần nguy hiểm: Stress kéo dài và gây ảnh hưởng lớn đến đời sống tinh thần của mỗi người bệnh. Các cảm xúc tiêu cực nếu không sớm được giải tỏa và khắc phục tốt sẽ làm gia tăng khả năng hình thành nên các vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng hơn, phổ biến có thể nhắc đến như rối loạn lo âu, trầm cảm,…
  • Suy giảm chất lượng cuộc sống: Stress khiến nữ giới mất tập trung, suy giảm khả năng ghi nhớ và hàng loạt các vấn đề sức khỏe khác. Chính vì thế, họ khó có thể duy trì tốt các nhiệm vụ, hoạt động hàng ngày và dễ gây ra những sai lầm trong học tập, công việc. Do đó, có thể thấy rằng, stress chính là một trong các lý do khiến cho chất lượng đời sống của phụ nữ dần bị suy giảm, tiêu cực đi.
  • Gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch: Cách áp lực trong cuộc sống có thể khiến cho bề dày động mạch cảnh tăng lên và đây chính là một trong các biểu hiện cảnh báo về một số bệnh tim mạch nguy hiểm.
  • Nguy cơ béo phì: Stress kích thích sản sinh hormone Cortisol khiến cho nữ giới gia tăng cảm giác thèm đường, chất béo nên có nhiều xu hướng ăn uống liên tục. Đồng thời, hàm lượng hormone này cũng có khả năng tăng lượng mô mỡ bên trong cơ thể và gây ra tình trạng béo phì, tăng cân đột ngột.

Các ảnh hưởng của stress đối với nữ giới sẽ tùy thuộc vào từng mức độ nghiêm trọng khác nhau. Theo đó, các chuyên gia luôn khuyến khích áp dụng các biện pháp can thiệp trong giai đoạn sớm, giải tỏa stress nhanh chóng ngat khi nhận thấy các dấu hiệu cảnh báo để tránh việc phải đối mặt với những ảnh hưởng tiêu cực khiến sức khỏe và đời sống bị suy giảm nặng nề.

Làm sao giúp nữ giới khắc phục tình trạng stress?

Như đã chia sẻ, stress gây ra nhiều ảnh hưởng đối với người bệnh và chính là nguyên nhân thúc đẩy nguy cơ phát triển các vấn đề sức khỏe về cả thể chất lẫn tinh thần. Do đó, ngay khi nhận thấy các triệu chứng của stress, nữ giới cần nhanh chóng tìm kiếm các biện pháp hỗ trợ, khắc phục hiệu quả và an toàn để giúp phục hồi sức khỏe tinh thần tốt hơn.

1. Trị liệu tâm lý

Trong những năm trở lại đây, trị liệu tâm lý được biết đến là một trong các phương pháp can thiệp hiệu quả giúp cải thiện sức khỏe tinh thần một cách an toàn. Chuyên gia tâm lý sẽ xem xét và đánh giá tình trạng stress của mỗi trường hợp khác nhau để lựa chọn liệu pháp trị liệu phù hợp nhằm giúp bệnh nhân tháo gỡ các áp lực, căng thẳng và cởi mở, thoải mái hơn về mặt tinh thần.

Trị liệu tâm lý chủ yếu sẽ sử dụng ngôn ngữ giao tiếp để tương tác và trao đổi cùng với người bệnh. Chuyên gia tâm lý hoàn toàn không sử dụng thuốc điều trị, không can thiệp cơ thể nên bệnh nhân có thể yên tâm về mức độ an toàn, không gây ra các tác dụng phụ, biến chứng nguy hiểm trong suốt và sau quá trình can thiệp.

Thông thường, đối với các tình trạng stress ở nữ giới, chuyên gia tâm lý sẽ ưu tiên áp dụng liệu pháp nhận thức và hành vi, liệu pháp cá nhân, liệu pháp gia đình, liệu pháp nhóm để giúp người bệnh dần cải thiện tốt sức khỏe tinh thần, loại bỏ hoàn toàn nguyên nhân gốc rễ gây stress. Bên cạnh đó, chuyên gia cũng sẽ hướng dẫn thêm cho bệnh nhân một số liệu pháp thư giãn, trang bị các kỹ năng cần thiết để chống chọi và vượt qua được những tác nhân gây stress trong đời sống.

2. Điều trị hóa dược

Việc sử dụng thuốc thường chỉ được chỉ định hiệu quả đối với các trường hợp stress nặng ở nữ giới, các triệu chứng stress gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, đời sống hoặc vượt quá tầm kiểm soát của người bệnh. Sau khi tiến hành thăm khám và đánh giá cụ thể về tình trạng sức khỏe của người bệnh, bác sĩ chuyên khoa sẽ tiến hành kê đơn thuốc với liều lượng thích hợp nhằm giúp kiểm soát các triệu chứng nguy hiểm, giúp bệnh nhân đáp ứng tốt quá trình trị liệu tâm lý để cải thiện tinh thần hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, các loại thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần, thuốc điều hòa tâm trạng sẽ có nguy cơ gây ra một số tác dụng phụ nên cần phải được thận trọng trong quá trình sử dụng. Đối với các trường hợp phụ nữ mang thai, sau khi sinh nếu bị stress thì việc dùng thuốc sẽ được cân nhắc kỹ lưỡng hơn để tránh gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với cả mẹ và bé.

3. Thay đổi lối sống tích cực hơn

Thói quen sinh hoạt hàng ngày cũng là một trong các yếu tố góp phần lớn đối với việc cải thiện, nâng cao sức khỏe tinh thần, giảm stress cho nữ giới. Song song với việc áp dụng tốt các biện pháp chuyên khoa thì người bệnh cũng cần chú ý nhiều hơn đến việc xây dựng lại lối sống tích cực để đẩy lùi stress hiệu quả. Cụ thể một số điều cần thực hiện như sau:

triệu chứng stress ở nữ giới
Thiền định 20-30 phút mỗi ngày sẽ giúp giảm stress hiệu quả, an toàn.
  • Tăng cường vận động, tập luyện thể dục thể thao sẽ giúp nâng cao sức đề kháng và gia tăng hàm lượng hormone serotonin tạo cảm giác hạnh phúc, giảm căng thẳng hiệu quả. Tùy vào tình trạng sức khỏe mà bạn có thể lựa chọn tập yoga, thiền định, đi bộ, chạy bộ, bơi lội, đánh cầu lông, đá banh,…để duy trì sức khỏe ổn định.
  • Chú ý đến chế độ ăn uống hàng ngày, tăng cường bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất, protein, chất xơ có lợi cho sức khỏe. Đồng thời hạn chế những món ăn ngọt, có quá nhiều gia vị, chất béo hoặc những đồ ăn chế biến sẵn, thức ăn nhanh.
  • Nâng cao chất lượng giấc ngủ, ngủ đủ giờ, đủ giấc. Nếu cảm thấy khó ngủ bạn có thể áp dụng các liệu pháp hỗ trợ an toàn tại nhà như thiền định, ngâm chân với nước ấm, uống trà thảo mộc, sử dụng tinh dầu thơm,….
  • Cởi mở chia sẻ về các vấn đề khó khăn, trở ngại trong cuộc sống để giải tỏa những phiền muộn, lo âu. Đồng thời, đây cũng là cách để giúp bạn duy trì các mối quan hệ lành mạnh, giúp đời sống tinh thần thêm hạnh phúc, vui vẻ hơn.
  • Viết nhật ký cũng được xem là thói quen tốt để giúp bạn phòng chống và giảm stress hiệu quả. Việc ghi chép lại những cảm xúc, suy nghĩ của bản thân sẽ giúp bạn phần nào giải tỏa được những áp lực, căng thẳng và mệt mỏi.

Các triệu chứng stress ở nữ giới rất đa dạng và đôi khi bị nhầm lẫn với các trạng thái mệt mỏi hàng ngày. Tuy nhiên, stress kéo dài sẽ có sự ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và đời sống của mỗi người bệnh nên hy vọng qua thông qua chia sẻ của bài viết này, bạn đọc sẽ nắm rõ được cách nhận biết và kịp thời có biện pháp can thiệp, khắc phục stress hiệu quả.

Thu Hà

Theo tapchitamlyhoc.com

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận