Chủ đề
7 lầm tưởng về vitamin và thực phẩm bổ sung
Vitamin và các loại thực phẩm bổ sung ngày càng được ưa chuộng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, liệu chúng có thực sự tốt như chúng ta nghĩ?
Ngành công nghiệp thực phẩm bổ sung hiện đang vô cùng phát triển. Năm 2016, doanh thu toàn cầu ước đạt 132,8 tỷ USD và dự kiến sẽ vượt 220 tỷ USD vào năm 2022. Theo một khảo sát tại Hoa Kỳ giai đoạn 2011 – 2012, 52% người lớn cho biết họ sử dụng một loại thực phẩm bổ sung nào đó, trong đó 31% dùng đa vitamin.
Nhu cầu sống khỏe mạnh và tránh bệnh tật là điều dễ hiểu. Nếu một viên thuốc giá cả phải chăng mỗi ngày có thể tăng cường sức khỏe và kéo dài tuổi thọ, không ngạc nhiên khi thực phẩm bổ sung được ưa chuộng. Các chiến dịch quảng cáo ấn tượng với hình ảnh thân hình cân đối và nụ cười rạng rỡ càng thúc đẩy nhu cầu này.
Tuy nhiên, bởi vì điều gì cũng có 2 mặt, dưới đây là 7 lầm tưởng mà người tiêu dùng thường mắc phải khi tiếp cận vitamin và các thực phẩm bổ sung:
1. Dùng càng nhiều càng tốt
Với vitamin, dùng nhiều không phải lúc nào cũng tốt và đôi khi còn gây hại. Do có thể dễ dàng mua mà không cần kê đơn, nhiều người nghĩ rằng vitamin an toàn ở mọi liều lượng. Nhưng thực tế, dùng liều cao một số vitamin có thể làm rối loạn cơ thể.
Ví dụ, quá nhiều vitamin C có thể cản trở hấp thụ đồng, một khoáng chất quan trọng. Quá nhiều phốt pho có thể cản trở hấp thụ canxi, và các vitamin A, D, K tích tụ quá mức có thể gây độc hại cho cơ thể. Ngoài ra, dùng quá nhiều vitamin C hoặc canxi có thể gây tiêu chảy và đau bụng, và vitamin D quá liều có thể gây tích tụ canxi, ảnh hưởng đến xương, tim và thận.
2. “Tự nhiên” đồng nghĩa với an toàn
Khi nhãn ghi “tự nhiên,” không có nghĩa là sản phẩm hoàn toàn an toàn hay hiệu quả. Ví dụ, xyanua là một hợp chất tự nhiên từ cây cỏ nhưng lại rất độc hại. Một số hợp chất từ thực vật có tác dụng dược lý, nhưng hiệu quả phụ thuộc vào cách chế biến và hàm lượng trong sản phẩm cuối cùng.
3. Có thể dùng thực phẩm bổ sung cùng với thuốc
Nhiều người nghĩ rằng thực phẩm bổ sung không cần kê đơn và thường là “tự nhiên” nên sẽ không gây tương tác với thuốc. Tuy nhiên, thực tế là nhiều thành phần trong thực phẩm bổ sung có thể tương tác với thuốc, làm tăng hoặc giảm hiệu quả của thuốc.
Một nghiên cứu phát hiện có hơn 1.400 trường hợp tương tác giữa thực phẩm bổ sung và thuốc, đặc biệt là với các sản phẩm chứa magie, cây ban âu (St. John’s wort), sắt, canxi, và bạch quả (ginkgo).
4. Vitamin và khoáng chất giúp bảo vệ tim mạch
Nhiều người tin rằng vitamin và khoáng chất sẽ bảo vệ sức khỏe tim mạch. Tuy nhiên, một nghiên cứu tổng hợp lớn vào năm 2018 kết luận rằng các loại vitamin phổ biến như đa vitamin, vitamin D, canxi và vitamin C không mang lại lợi ích rõ rệt trong việc ngăn ngừa bệnh tim, đau tim, hay đột quỵ.
5. Vitamin C giúp ngăn ngừa cảm lạnh còn Vitamin D thì ngăn ngừa ung thư
Nhiều người tin rằng vitamin C có thể ngăn ngừa cảm lạnh, nhưng nghiên cứu cho thấy khả năng này là rất yếu. Một nghiên cứu năm 2013 cho thấy vitamin C không ngăn ngừa cảm lạnh trong cộng đồng, mặc dù có thể giúp giảm triệu chứng và thời gian bị cảm.
Tương tự, có nhiều nghiên cứu xem xét liệu vitamin D có thể giúp giảm nguy cơ ung thư hay không, nhưng vẫn chưa có kết luận rõ ràng. Một nghiên cứu năm 2018 trên 25.871 người cho thấy vitamin D không làm giảm tỷ lệ mắc ung thư xâm lấn. Tuy nhiên, một số nghiên cứu khác cho thấy vitamin D có thể giảm nguy cơ tử vong do ung thư.
6. Probiotic và prebiotic có thể chữa bách bệnh
Probiotic (thực phẩm chứa vi sinh vật có lợi) và prebiotic (thực phẩm thúc đẩy vi khuẩn đường ruột) đang được quảng cáo rộng rãi vì lợi ích cho sức khỏe đường ruột. Tuy nhiên, ngoài một số tình trạng cụ thể, có rất ít bằng chứng cho thấy chúng mang lại lợi ích cho sức khỏe chung. Vì probiotic không phải là thuốc nên không được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng và hiệu quả.
7. Chất chống oxy hóa giúp kéo dài tuổi thọ
Chất chống oxy hóa như vitamin C, E, selen và beta-caroten có thể giúp ngăn chặn tổn thương tế bào. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu lớn cho thấy dùng chất chống oxy hóa không ngăn ngừa được bệnh mãn tính. Một số nghiên cứu thậm chí còn cho thấy dùng thực phẩm bổ sung chất chống oxy hóa có thể làm giảm tuổi thọ.
Tóm lại, vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa rất quan trọng cho sức khỏe. Tuy nhiên, với chế độ ăn đa dạng và lành mạnh, cơ thể thường đã nhận đủ các chất này. Ngoài vitamin D và axit folic, lợi ích của các thực phẩm bổ sung đối với người trưởng thành là không rõ ràng. Trước khi dùng bất kỳ thực phẩm bổ sung nào, đặc biệt nếu có bệnh lý, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ, chuyên gia.