60 người ngộ độc thực phẩm nghi do bữa cơm gà tại Nha Trang

60 người ngộ độc thực phẩm nghi do bữa cơm gà tại Nha Trang

Đồ ăn thức uống bị nhiễm độc, nhiễm khuẩn, biến chất, ôi thiu hay chứa hàm lượng hóa chất vượt mức sẽ gây ra tình trạng ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng sức khỏe. 

KHÁNH HÒA – 60 người xuất hiện tiêu chảy, nôn ói, sốt nặng,… nghi ngờ do ăn khẩu phần gồm thịt gà, bơ, nộm rau dưa và cơm tại một tiệm ở đường Bà Triệu, TP Nha Trang.

Khuya 13/3, Hoài An, 19 tuổi, đã trở về TP Đà Lạt, Lâm Đồng, nhưng vẫn mệt mỏi, uể oải, sau nhiều cơn nôn ói, tiêu chảy trong chuyến du lịch ở TP Nha Trang. An cùng 6 người thân là 7 trong 60 người ngộ độc nghi do ăn tại quán cơm gà Trâm Anh, TP Nha Trang, những ngày qua.

Cô gái 19 tuổi cho biết chuyến du lịch thành phố biển của cả gia đình (có một em bé 3 tuổi) bắt đầu từ 11/3, dự tính kéo dài 5 ngày. Những lần đến đây, An đều chọn ăn cơm gà Trâm Anh – quán ăn khá nổi tiếng với người dân địa phương lẫn du khách. Lần này, cả nhà gọi ba phần cơm gà chiên, ba phần cơm gà luộc để ăn trưa.

“Các phần ăn không có mùi vị gì quá bất thường, hầu như ai cũng ăn hết”, An nói, thêm rằng đến tối gia đình cô đi ăn ở một quán bò Lạc Cảnh trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm rồi về khách sạn nghỉ ngơi. Lúc này, nhiều người trong nhóm bắt đầu xuất hiện nôn ói, tiêu chảy, sốt nặng. Nghĩ chỉ là biểu hiện bình thường, gia đình An mua thuốc uống.

60-nguoi-ngo-doc-thuc-pham-nghi-do-bua-com-ga-1
Một phần cơm gà vào trưa 11/3 tại quán ăn ở đường Bà Triệu, TP Nha Trang. Ảnh: Hoài An

Sáng hôm sau, tình trạng bệnh nặng hơn, mọi người vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa điều trị. “Ban đầu tôi nghĩ nguyên nhân là thịt bò, nhưng lên mạng xã hội đọc tin nhiều người cũng bị ngộ độc nghi ngờ đến cơm gà”, An nói.

An kể, thời điểm đó, chỉ một người trong nhóm có triệu chứng nhẹ của ngộ độc thực phẩm, còn lại đều sốt 38-40 độ C, mệt lả và ói. Bác sĩ kê thuốc tiêu hóa và một số loại thuốc giúp hồi sức. Đến rạng sáng 13/3, gia đình An được xuất viện. “Tình hình sức khỏe anh em trong gia đình có phần ổn hơn, dù nhiều người vẫn còn sốt và tiêu chảy”, An nói, cho rằng có thể phần sốt bơ trong cơm gà là nguyên nhân gây ngộ độc. “Một người trong nhóm bỏ phần bơ này lúc ăn cơm gà nên tình trạng ngộ độc nhẹ hơn”.

60-nguoi-ngo-doc-thuc-pham-nghi-do-bua-com-ga-2
Một số bệnh nhân ngộ độc điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa. Ảnh: Hoài An

Từ ngày 12/3, ông Mạnh Cường, cũng thường xuyên túc trực bên giường bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa chăm sóc con trai 27 tuổi. “Con tôi cao 1,75 m, nặng hơn 80 kg, tập thể hình, nhưng cũng bị mệt lả đi do ngộ độc. Sau khi được truyền kháng sinh và uống thuốc, cháu có ổn hơn nhưng vẫn còn tiêu chảy”, ông Cường nói. Người đàn ông cho biết trưa 11/3, vợ ông mua cơm gà xé về nhà cho con ăn, sau đó không có gì bất thường. Đến tối, gia đình ăn mì Quảng và uống nước mía. Các triệu chứng ói mửa, tiêu chảy của con trai ông xảy ra liên tục trong đêm cùng ngày.

Nghĩ rằng con ăn trúng rau hư, ông Cường tự mua thuốc điều trị, ban đầu các triệu chứng thuyên giảm. Đến sáng 13/3, con sốt cao, mắt đỏ, ông tiếp tục mua thuốc hạ sốt nhưng bệnh tình trở nặng, vội đưa con vào Bệnh viện đa khoa Sài Gòn – Nha Trang.

“Thời điểm đó, tôi thấy phòng cấp cứu bệnh viện đều kín chỗ, đông đến nỗi bảo vệ vào phụ đẩy xe. Hỏi xung quanh mới biết nhiều người bị ngộ độc thực phẩm nghi do ăn cơm gà”, ông Cường nói, thêm rằng người nhập viện có nhiều du khách, trẻ em. Trong đêm 13/3, đại diện quán cơm gà Trâm Anh đã gửi lời xin lỗi đến khách hàng, đồng thời chủ động liên hệ các bệnh nhân, đến bệnh viện thăm hỏi để đưa ra hướng giải quyết tốt nhất.

Trả lời VnExpress, đại diện quán cơm Trâm Anh cho biết đang phối hợp với cơ quan chức năng để tìm nguyên nhân vụ việc. Đại diện quán không thông tin về các phương thức bảo quản, chế biến thực phẩm. “Sau khi có kết luận từ cơ quan chức năng, chúng tôi sẽ có những phương án tiếp theo, còn hiện tại chúng tôi xin nhận trách nhiệm về mình”, người này nói.

Bác sĩ Lê Văn Khoa, Phó Giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa, cho biết trong số 60 người ngộ độc sau ăn cơm gà ở quán Trâm Anh có 20 người triệu chứng nhẹ, xuất viện trong ngày. 40 người còn lại nằm viện theo dõi, hiện sức khỏe ổn định. “Lực lượng chức năng đã đình chỉ hoạt động quán vào trưa 13/3, lấy các mẫu thực phẩm đem đi xét nghiệm. Sở Y tế sẽ thông tin nguyên nhân gây ngộ độc sớm nhất khi có kết quả”, ông Khoa nói.

60-nguoi-ngo-doc-thuc-pham-nghi-do-bua-com-ga-3
Các bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện đa khoa Sài Gòn – Nha Trang. Ảnh: Ly Ly

Năm 2022, Khánh Hòa cũng từng ghi nhận một vụ ngộ độc thực phẩm lớn nhất trong khối học đường, khi 648 học sinh trường Ischool nhập viện sau bữa ăn trưa, trong đó một ca tử vong. Nguyên nhân vụ ngộ độc được xác nhận là do vi khuẩn Salmonella, xuất phát từ cánh gà chưa nấu chín.

Tình trạng ngộ độc thực phẩm rất phổ biến. Ở những ca nhẹ, biểu hiện là nôn, ói, tiêu chảy, đau bụng, đau đầu, sốt, mệt mỏi. CÒn ở những trường hợp nặng hơn, người bệnh có thể sẽ phải đối mặt với những triệu chứng như tiêu chảy ra máu, mất nước, trụy mạch, sốc nhiễm khuẩn và cần phải được sơ cấp cứu, chỉ định sử dụng kháng sinh và thậm chí là điều trị tích cực để cứu sống tính mạng cho bệnh nhân.

Bùi Toàn

 

Theo VnExpress

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận