6 lưu ý khi tắm vào mùa đông để tốt cho sức khỏe
Mùa đông, thời tiết thay đổi, nhiệt độ xuống thấp sẽ gây ra những ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Vậy, làm thế nào để tắm mà không ảnh hưởng đến sức khỏe khi thời tiết lạnh giá?
Lợi ích của việc tắm hằng ngày
Tắm hằng ngày giúp nâng cao hệ miễn dịch, làm đẹp da, tăng cường sự tuần hoàn máu, mang lại nhiều lợi ích với sức khỏe.
- Làm dịu cơ thể. Khi tắm, nhiệt lượng trong cơ thể sẽ được giải tỏa, làm dịu mát cơ thể
- Giúp mở các lỗ chân lông, loại bỏ bụi và vi sinh vật không tốt cho da.
- Tắm thư giãn cũng là một cách để giải tỏa căng thẳng. Việc ngâm mình trong nước để tận hưởng cảm giác sảng khoái có nhiều tác động tích cực về tâm lý.
- Mang lại làn da đẹp và mái tóc khỏe mạnh.
- Giúp máu tuần hoàn tốt hơn.
- Giải pháp tốt nhất cho vấn đề về giấc ngủ
Những lưu ý khi tắm vào mùa đông
– Không nên tắm thường xuyên
Việc tắm quá thường xuyên sẽ gây tổn thương lớp biểu bì của da, làm cho sức đề kháng da yếu đi, tạo điều kiện cho vi khuẩn và chất gây dị ứng xâm nhập, gây ra tình trạng nhiễm trùng da. Ngoài ra, tắm nhiều trong mùa đông còn khiến cơ thể dễ bị nhiễm lạnh, mạch máu co lại cản trở quá trình lưu thông máu, làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim.
– Không tắm nước lạnh hoặc nước quá nóng
Mùa đông nhiệt độ xuống thấp, nếu tắm nước lạnh sẽ tạo ra sự chênh lệch nhiệt độ lớn giữa cơ thể và môi trường, gây tụt huyết áp, tăng nguy cơ đột quỵ dẫn đến tử vong. Ngược lại, nhiều người lại cảm thấy thực sự thư giãn khi tắm nước nóng. Tuy nhiên, nếu nước quá nóng sẽ kích thích hệ thần kinh và gây giãn mạch dẫn đến tụt huyết áp – yếu tố nguy hiểm có thể dẫn tới đột quỵ tim. Không chỉ vậy, tất cả các mạch máu trên da đều phải giãn nở hết cỡ, gây thiếu oxy cung cấp đến tim. Hệ quả là bạn cảm thấy chóng mặt, buồn nôn, thậm chí ngất xỉu.
– Nên tắm vào thời điểm nhiệt độ cao nhất trong ngày
Mùa lạnh, tốt nhất nên tắm trong khoảng thời gian 9h30-10h30 phút và 13h-16h. Đây là thời điểm nhiệt độ cao nhất trong ngày, khi tắm sẽ giúp cơ thể thích ứng nhanh chóng, giảm nguy cơ hạ thân nhiệt đột ngột gây tụt huyết áp, đột quỵ tim.
– Không nên tắm ngay sau khi ăn, uống rượu bia
Vì lúc này, các mạch máu vừa phải dồn xuống dạ dày để tiêu hóa thức ăn, vừa hoạt động hết công suất để gồng mình chống chọi với nhiệt độ lạnh. Khả năng đột quỵ tim lúc này rất cao. Cũng không nên tắm lúc đói vì sẽ khiến lượng đường trong máu giảm, gây choáng váng, chóng mặt và ngất xỉu. Chỉ nên tắm trước khi ăn khoảng 1 giờ hoặc sau khi ăn 2 giờ để an toàn cho sức khỏe tim mạch.
Không nên tắm sau khi uống rượu vì thức uống có cồn sẽ gây tăng huyết áp, khiến cơ thể dễ bị cảm lạnh và tăng nguy cơ vỡ mạch máu.
– Làm ướt cơ thể đúng cách
Nếu bạn tắm dưới vòi hoa sen và để đầu tiếp xúc với nước đầu tiên, lưu lượng máu lên não sẽ được đẩy nhanh hết mức để bù đắp cho sự chênh lệch nhiệt độ đột ngột. Điều này làm tăng nguy cơ rách các mao mạch, động mạch cung cấp máu cho các cơ quan khác, trong đó có tim, gây nhồi máu cơ tim cấp.
Hãy bắt đầu bằng việc làm ướt bàn chân trước, sau đó đến toàn bộ chi dưới, lên dần đến vai và cuối cùng mới là đầu.
– Không nên tắm đêm
Tắm đêm vào mùa đông sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của bạn, nhẹ là đau đầu, mỏi cổ vai gáy, đau chân tay. Nặng hơn có thể dẫn đến nguy cơ tai biến, đột quỵ và tử vong. Ngoài ra, tắm đêm còn dễ dẫn đến việc nhiễm trùng phổi, suy giảm chức năng phổi. Thế nên, để tránh những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe bạn nên tắm từ lúc 18h – 20h tối và cần nghỉ ngơi trong vòng 2 tiếng trước khi ngủ. Những người đang bệnh, trẻ em, phụ nữ đang mang thai, những người đang say tuyệt đối không nên tắm sau 22h.
Để đảm bảo cơ thể không bị nhiễm lạnh trong và sau khi tắm, bạn cần:
- Tắm ở phòng kín gió, sau đó lau khô người, mặc đủ ấm trước khi ra khỏi phòng tắm.
- Uống một tách trà gừng nóng sau khi tắm.
- Không tắm lúc sáng sớm và đặc biệt là ban đêm, nhiệt độ xuống thấp nhất.
- Uống nước trước và sau khi tắm sẽ giúp cân bằng lượng nước, đảm bảo huyết áp ổn định.
- Sấy tóc ngay sau khi tắm xong để tránh nhiễm lạnh.
- Chọn sữa tắm có hàm lượng dưỡng ẩm cao, bôi kem dưỡng da ngay sau khi tắm.
- Dùng khăn mềm lau khô người sau khi tắm.
Theo SK&ĐS