5 mẹo giúp phòng bệnh tiểu đường type 2 ở trẻ em
Chế độ ăn uống lành mạnh, hoạt động thể chất đủ, thường xuyên kiểm tra chỉ số sức khỏe, giảm căng thẳng giúp phòng tiểu đường type 2 ở trẻ em.
Theo Very Well Health, tiểu đường type 2 thường khởi phát ở người trưởng thành hơn nhưng ngày càng nhiều trẻ em và thanh thiếu niên mắc bệnh này. Một phần nguyên nhân là do nhiều trẻ thừa cân và béo phì. Tình trạng này tăng nguy cơ kháng insulin – dấu hiệu của bệnh tiểu đường type 2.
Các yếu tố khác cũng khiến trẻ có nhiều nguy cơ mắc bệnh này như lối sống ít vận động, thay đổi nội tiết tố ở tuổi dậy thì, tiền sử gia đình mắc tiểu đường type 2, tiền sử mẹ mắc tiểu đường thai kỳ, trẻ mắc bệnh lý khác tạo ra kháng insulin. Nếu con thừa cân và có bất kỳ hai trong số các yếu tố nguy cơ trên, phụ huynh nên cho con xét nghiệm đường huyết. Cha mẹ nên theo dõi vùng da ở nếp gấp (nách, cổ) của con, nếu khác thường như có mảng da dày lên, sẫm màu so với da bên cạnh cũng là dấu hiệu trẻ có thể mắc tiểu đường.
Dưới đây là những cách giúp cha mẹ phòng ngừa tiểu đường type 2 ở trẻ:
Lập kế hoạch ăn uống: Lập kế hoạch thực phẩm cho gia đình giúp con duy trì chế độ ăn uống lành mạnh và ngăn ngừa tiểu đường type 2. Cha mẹ nên kết hợp những thực phẩm lành mạnh nhưng vẫn đảm bảo dinh dưỡng. Thực phẩm nên ăn như trái cây, các loại rau không tinh bột (ớt, bông cải xanh, măng tây, rau họ cải), ngũ cốc nguyên hạt (gạo lứt, yến mạch), thịt nạc, sữa ít béo hoặc không béo, thực phẩm ít muối.
Cha mẹ tránh hoặc hạn chế đưa vào chế độ ăn hàng ngày những thực phẩm có thể làm tăng đột biến đường huyết. Thực phẩm loại này nên tránh như chế biến với nền nhiệt cao (đồ nướng, chiên rán), thức ăn nhanh hoặc chế biến sẵn (xúc xích, pate), thức ăn nhiều đường (bánh, kẹo, nước ngọt, nước trái cây đóng hộp), thực phẩm giàu chất béo và thịt mỡ, carbohydrate đơn giản như bánh mì trắng hoặc bột mì.
Kiểm soát khẩu phần ăn: Cha mẹ cần chú ý và kiểm soát khẩu phần ăn của trẻ để phòng bệnh. Một số trẻ có xu hướng ăn nhiều (nhất là thức ăn trẻ thích) trong một bữa mà không kiểm soát lượng ăn. Điều này có thể làm đường huyết tăng cao. Kích thước khẩu phần nên cân bằng carbohydrate, chất xơ, protein nạc và chất béo lành mạnh. Bạn có thể hỏi chuyên gia dinh dưỡng về bệnh tiểu đường để xây dựng bữa ăn thân thiện, phù hợp cho cả gia đình.
Ăn các bữa ăn cùng nhau có thể giúp con ăn chậm lại, tập trung vào thức ăn và cảm thấy được chăm sóc trong ăn uống, tránh việc trẻ ăn quá nhiều hoặc quá ít. Điều này cũng hạn chế con dùng điện thoại, đồ chơi hoặc xem tivi khi ăn một mình, ảnh hưởng đến nạp đủ dinh dưỡng. Ăn uống với lượng cân bằng giúp giữ ổn định đường huyết.
Hoạt động thể chất: Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), trẻ em nên có ít nhất 60 phút hoạt động thể chất mỗi ngày (nhiều lần hoặc cùng lúc), với các hoạt động như đi bộ, chạy bộ, nhảy dây, lắc vòng, tập yoga, tập võ, mua ba lê hoặc khiêu vũ… Các hoạt động gia đình cũng có ích như chơi các môn thể thao (bóng chuyền, bóng rổ, bóng đá, bơi lội), đi dạo cùng nhau, chơi trong công viên… Thường xuyên tập thể dục, tham gia các hoạt động thể chất giúp giảm kháng và tăng độ nhạy của insulin. Trẻ giảm cân nên phòng ngừa tiểu đường type 2 tốt hơn.
Kiểm tra chỉ số sức khỏe: Phụ huynh nên thường xuyên kiểm tra các chỉ số sức khỏe của con gồm cholesterol, chất béo trung tính và huyết áp. Những chỉ số này ở mức cao cho thấy trẻ có thể mắc tiền tiểu đường và tiểu đường.
Mức cholesterol cao cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và suy tim sau này. Chất béo trung tính cao có thể dẫn đến hội chứng chuyển hóa, một nhóm các yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến đột quỵ, bệnh tim và tiểu đường type 2. Cha mẹ cần giúp con đạt và duy trì cân nặng khỏe mạnh để không làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường. Theo CDC Mỹ, phụ huynh nên theo dõi huyết áp cho trẻ bắt đầu từ 3 tuổi. Huyết áp cao và bệnh tiểu đường làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
Giảm căng thẳng: Tình trạng này ảnh hưởng đến đường huyết và khiến việc kiểm soát bệnh tiểu đường ở trẻ em trở nên khó khăn hơn. Các phương pháp giúp trẻ đối phó với căng thẳng như hoạt động thể chất thường xuyên, có thời gian vui chơi, tâm sự với trẻ, tham gia các lớp học theo sở thích hay hoạt động ngoại khóa…
Cha mẹ nên giúp trẻ thiết lập thói quen ngủ lành mạnh khi còn nhỏ, giúp giảm căng thẳng và ngăn ngừa bệnh tiểu đường. Trẻ em từ 6-12 tuổi nên ngủ từ 9-12 tiếng và thanh thiếu niên ngủ từ 8-10 tiếng mỗi đêm để kiểm soát căng thẳng.
Nhi Phan
Theo VnExpress