Chủ đề
5 đột phá y học của năm 2024
Từ thuốc chữa trị “cá nhân hóa” cho bệnh nhân mắc Alzheimer, mũi tiêm đột phá dành cho người mắc hen suyễn và COPD, đến xét nghiệm nước bọt phát hiện sớm ung thư tuyến tiền liệt, giới khoa học không ngừng tìm cách đưa ra giải pháp mới. Dưới đây là 5 phát hiện đột phá trong năm 2024, hứa hẹn sẽ mở ra bước ngoặt trong cách phòng ngừa và điều trị nhiều bệnh mạn tính.
1. “Đo ni đóng giày” thuốc chữa trị Alzheimer
Alzheimer vẫn là thử thách lớn của y học khi ảnh hưởng đến hàng triệu người. Phương pháp hiện nay chủ yếu tập trung vào kiềm chế tiến triển và quản lý triệu chứng. Một nghiên cứu tại Hà Lan gần đây đã đề xuất cách tiếp cận mới: phân tách bệnh Alzheimer thành 5 “dạng phân tử phụ” khác nhau, dựa trên dấu ấn protein trong dịch não tủy.
Theo nhóm nghiên cứu, việc xác định này cho phép bác sĩ “may đo” phác đồ điều trị để phù hợp hơn với đặc điểm di truyền và tiến triển bệnh ở từng cá nhân. Thay vì dùng một loại thuốc chung cho mọi bệnh nhân, nay mỗi người có thể được chỉ định loại thuốc tối ưu nhất, đúng thời điểm nhất. Đây được xem là “bước tiến quan trọng” trong việc đẩy lùi căn bệnh sa sút trí tuệ phổ biến nhất thế giới.
2. “Bước ngoặt” cho bệnh nhân mắc hen suyễn và bệnh phổi
Giới y khoa đang ca ngợi liệu pháp điều trị mới dành cho hen suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là “đột phá đầu tiên trong 50 năm”. Liệu pháp này được xem như “bước ngoặt”, theo The Guardian.
Trong một thử nghiệm công bố trên tạp chí The Lancet Respiratory Medicine, các chuyên gia về hô hấp nhận thấy rằng chỉ một mũi tiêm benralizumab liều cao có hiệu quả kiểm soát loại cơn kịch phát vốn chiếm 50% các cơn hen suyễn và 30% các đợt bùng phát COPD, vượt trội hơn so với phương pháp dùng steroid đường uống hiện nay. Mũi tiêm này cũng giúp “giảm 30% nhu cầu điều trị thêm”.
Benralizumab hiện đã được sử dụng ở liều thấp để điều trị lặp lại cho bệnh hen suyễn nặng, nhưng kết quả thử nghiệm cho ứng dụng mới này có thể “mang tính cách mạng đối với hàng triệu người mắc hen suyễn và COPD trên toàn thế giới”. Bác sĩ Sanjay Ramakrishnan, tác giả chính của nghiên cứu kiêm giảng viên cấp cao tại Đại học Tây Úc, khẳng định: “Thử nghiệm này cho thấy nhiều triển vọng. COPD là nguyên nhân tử vong đứng thứ ba toàn cầu, thế nhưng các biện pháp điều trị hiện tại vẫn dừng lại ở thế kỷ 20”.
3. Xét nghiệm nước bọt phát hiện ung thư tuyến tiền liệt
Một xét nghiệm nước bọt đơn giản, có thể tự thực hiện tại nhà, có thể sớm giúp xác định nam giới có nguy cơ cao mắc ung thư tuyến tiền liệt. Theo Cancer Research UK, xét nghiệm mới này sẽ “phân tích DNA” trong mẫu nước bọt để tìm ra “hàng loạt đột biến gene nhỏ” liên quan đến ung thư tuyến tiền liệt. Kết quả nghiên cứu sơ bộ cho thấy xét nghiệm nước bọt cho “ít dương tính giả hơn” và “phát hiện tỷ lệ cao hơn các khối u ác tính” so với xét nghiệm máu, BBC cho biết.
Nghiên cứu chưa xuất bản này có sự tham gia của hơn 6.000 nam giới châu Âu từ 55 đến 69 tuổi – nhóm tuổi có nguy cơ cao mắc ung thư tuyến tiền liệt. Các nhà nghiên cứu, đến từ Viện Nghiên cứu Ung thư (ICR) London và Quỹ NHS Bệnh viện The Royal Marsden, tin rằng xét nghiệm rẻ tiền này “có thể giúp phát hiện bệnh sớm hơn và cứu sống nhiều người hơn”.
Giáo sư niệu học Caroline Moore chia sẻ với BBC rằng xét nghiệm “rất đơn giản với bệnh nhân”: họ chỉ việc “nhận một ống nghiệm, cho mẫu nước bọt vào đó và gửi đi”. Bước tiếp theo là cần thêm nghiên cứu để xác nhận liệu có thể triển khai rộng rãi hay không.
4. “Viên thuốc yoga” cho lo âu và trầm cảm
Theo The Independent, một “phát hiện đột phá về mạch não bộ” có thể dẫn đến việc phát triển các loại thuốc mới điều trị lo âu, căng thẳng và rối loạn hoảng sợ. Thậm chí, có thể trong tương lai sẽ xuất hiện “một viên thuốc mô phỏng hiệu quả của yoga”.
Các nhà nghiên cứu ở Mỹ đã xác định được một đường dẫn truyền thần kinh cụ thể trong não, cho phép con người chủ động làm chậm nhịp thở để giảm bớt các cảm xúc tiêu cực như lo âu. Phát hiện này làm sáng tỏ cơ chế của kỹ thuật thở chậm, “trọng tâm của các phương pháp thiền và yoga” – điều mà trước đây ngành khoa học thần kinh “chưa hiểu rõ” về mặt hoạt động não bộ.
Kết quả nghiên cứu này, công bố trên tạp chí Nature Neuroscience, có thể đồng nghĩa rằng trong tương lai, “tập hợp tế bào não chuyên biệt” nói trên có thể “được nhắm đích bằng thuốc”, mở ra “giải pháp lâu dài cho những người gặp vấn đề lo âu và căng thẳng”. Dù thí nghiệm diễn ra trên não chuột, nhóm nghiên cứu tin rằng họ đã tìm ra một mạch não có tiềm năng để phát triển liệu pháp giúp làm chậm nhịp thở tức thì và mang đến trạng thái tĩnh tâm như khi thiền định.
5. Vaccine ung thư “cá nhân hóa”
Bệnh nhân tại Anh đang tham gia các thử nghiệm lâm sàng của Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) về vaccine ung thư “đầu tiên trên thế giới” được thiết kế riêng cho từng người. Vaccine mRNA này được “tạo riêng” (custom-built) cho từng bệnh nhân, hoạt động “bằng cách huấn luyện hệ miễn dịch nhận biết, tiêu diệt và ngăn chặn tế bào ung thư lan rộng”, theo NHS England. Các mũi tiêm “mang tính cách mạng, với mục tiêu chữa dứt điểm” này “được điều chỉnh theo khối u của từng bệnh nhân”, The Guardian nhận định.
Những thử nghiệm đang được tiến hành tại 30 địa điểm ở Anh, phối hợp cùng công ty nghiên cứu vaccine mRNA BioNTech, trước mắt tập trung vào bệnh nhân ung thư đại trực tràng, ung thư da, phổi, bàng quang, tụy và thận. Tuy vẫn còn ở giai đoạn đầu, nghiên cứu về vaccine ung thư đã cho thấy “hiệu quả trong việc tiêu diệt các tế bào khối u còn sót lại sau phẫu thuật và giảm mạnh nguy cơ tái phát ung thư”. Giám đốc NHS England, Amanda Pritchard, đánh giá các thử nghiệm này là “thời khắc mang tính bước ngoặt” cho bệnh nhân ung thư.
Nguồn tổng hợp