5 điều có thể bạn đã hoặc chưa biết về Covid-19 sau 5 năm kể từ khi đại dịch bùng phát - Doctor247

5 điều có thể bạn đã hoặc chưa biết về Covid-19 sau 5 năm kể từ khi đại dịch bùng phát

Cách đây 5 năm, một nhóm người ở Vũ Hán, Trung Quốc, đã mắc phải một loại virus chưa từng được biết đến.Virus này khi đó chưa có tên, và căn bệnh nó gây ra cũng vậy. Cuối cùng, nó dẫn đến một đại dịch phơi bày nhiều bất công trầm trọng trong hệ thống y tế toàn cầu, đồng thời định hình lại quan điểm của công chúng về cách kiểm soát những virus mới gây tử vong.

5 điều có thể bạn đã hoặc chưa biết về Covid-19 sau 5 năm kể từ khi đại dịch bùng phát

Virus SARS-CoV-2 xuất phát từ đâu?

Covid đến nay vẫn tồn tại, dù nhân loại đã có miễn dịch nhờ tiêm chủng và lây nhiễm tự nhiên. Tỷ lệ tử vong đã giảm so với giai đoạn đầu đại dịch, và virus không còn đứng đầu danh sách những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Tuy nhiên, virus vẫn đang tiến hóa, buộc giới khoa học phải tiếp tục theo dõi sát sao.

Đến nay, chúng ta vẫn chưa rõ cụ thể, SARS-CoV-2 đã xuất hiện như thế nào. Giới khoa học cho rằng kịch bản có khả năng xảy ra nhất là nó lưu hành ở loài dơi (giống nhiều virus corona khác), sau đó lây sang một loài trung gian như chó gấu trúc (raccoon dog), cầy hương (civet cat) hoặc chuột tre (bamboo rat). Tiếp theo, con người bị lây nhiễm khi chế biến hoặc tiếp xúc với những động vật này tại một khu chợ ở Vũ Hán, nơi các ca bệnh đầu tiên được ghi nhận vào cuối tháng 11 năm 2019.

Đây là con đường lây truyền dịch bệnh đã được biết đến, và có thể là nguyên nhân châm ngòi cho đợt dịch đầu tiên của một virus tương tự, SARS. Tuy vậy, giả thuyết này vẫn chưa được chứng minh với virus gây Covid-19. Vũ Hán cũng có một số phòng thí nghiệm chuyên thu thập và nghiên cứu virus corona, nên có ý kiến cho rằng virus có thể thoát ra từ một trong số đó.

Dù trong hoàn cảnh tốt nhất, việc tìm lời giải khoa học cho nguồn gốc virus vẫn vô cùng khó khăn. Và nỗ lực này còn phức tạp hơn vì những tranh cãi chính trị liên quan đến nguồn gốc của virus, cũng như việc các nhà khoa học quốc tế cho rằng Trung Quốc không cung cấp một số bằng chứng hữu ích. Có khả năng chúng ta sẽ không biết nguồn gốc thật sự của đại dịch này trong nhiều năm tới – hoặc thậm chí là không bao giờ.

Có bao nhiêu người đã tử vong vì Covid-19?

Con số có thể là hơn 20 triệu người đã tử vong. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết các quốc gia thành viên báo cáo hơn 7 triệu ca tử vong do Covid-19, nhưng ước tính con số thực tế cao gấp ba lần.

Tại Hoa Kỳ, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), trung bình khoảng 900 người tử vong mỗi tuần do Covid-19 trong năm qua. Virus corona tiếp tục ảnh hưởng nặng nề nhất đến nhóm người cao tuổi. Mùa đông vừa rồi ở Mỹ, những người từ 75 tuổi trở lên chiếm khoảng một nửa số ca nhập viện và tử vong trong bệnh viện liên quan đến Covid-19.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu: “Chúng ta không thể nói Covid đã đi vào quá khứ, vì nó vẫn tồn tại.”

Những vaccine nào đã được cung cấp?

Giới khoa học và các nhà sản xuất vaccine đã lập kỷ lục về tốc độ phát triển vaccine Covid-19, cứu hàng chục triệu người trên toàn thế giới, đồng thời là bước tiến then chốt giúp cuộc sống trở lại bình thường. Chưa đầy một năm sau khi Trung Quốc xác định được virus, cơ quan y tế ở Mỹ và Anh đã phê duyệt vaccine của Pfizer và Moderna. Nhiều năm nghiên cứu trước đó – bao gồm những phát hiện đoạt giải Nobel giúp làm chủ công nghệ mRNA – đã tạo tiền đề cho loại vaccine “mũi nhọn” này.

Hiện nay, cũng có vaccine truyền thống hơn do Novavax sản xuất; một số quốc gia đã sử dụng thêm các phương án khác. Việc phân phối vaccine đến các nước nghèo hơn diễn ra chậm, nhưng WHO ước tính hơn 13 tỷ liều vaccine Covid-19 đã được tiêm trên toàn cầu từ năm 2021.

Vaccine không hoàn hảo. Chúng có tác dụng ngăn ngừa bệnh nặng, nhập viện và tử vong rất tốt, và nhìn chung khá an toàn, với các tác dụng phụ nghiêm trọng chỉ xảy ra hiếm hoi. Tuy nhiên, khả năng bảo vệ khỏi nhiễm bệnh nhẹ giảm dần sau vài tháng. Giống như vaccine cúm, vaccine COVID-19 cần được cập nhật thường xuyên để theo kịp virus liên tục biến đổi – điều này gây không ít bất tiện khi phải tiêm nhắc lại nhiều lần.

Hiện một số nghiên cứu đang hướng đến thế hệ vaccine tiếp theo, chẳng hạn vaccine dạng xịt mũi, nhằm hạn chế khả năng nhiễm bệnh ngay từ cửa ngõ đường hô hấp.

Biến thể nào đang chiếm ưu thế hiện nay?

Các biến đổi gene (đột biến) xảy ra khi virus tự nhân bản. Virus corona cũng không là ngoại lệ. Giới khoa học đặt tên các biến thể bằng các chữ cái Hy Lạp: alpha, beta, gamma, delta và omicron.

Delta, biến thể chiếm ưu thế ở Mỹ vào tháng 6/2021, gây lo ngại vì khả năng dẫn đến nhập viện cao gấp đôi so với phiên bản gốc. Nhưng đến cuối tháng 11/2021, omicron xuất hiện và nhanh chóng lan rộng. Nó lây lan cực kỳ nhanh, số ca tăng vọt lên mức chưa từng có.

Theo WHO, trung bình omicron gây bệnh nhẹ hơn delta. Giới khoa học tin rằng nguyên nhân một phần do miễn dịch đã hình thành nhờ tiêm vaccine và lây nhiễm trước đó.

Kể từ thời điểm đó, chúng ta liên tục chứng kiến các biến thể phụ của omicron tích lũy thêm đột biến. Hiện tại, tất cả có vẻ đều thuộc nhánh omicron.

Biến thể đang chiếm ưu thế tại Mỹ được gọi là XEC, chiếm 45% các biến thể lưu hành trong hai tuần cuối tháng 12.2024, theo CDC. Các loại thuốc điều trị Covid-19 hiện có và mũi tiêm nhắc vaccine mới nhất được cho là vẫn hiệu quả với biến thể này.

Chúng ta biết gì về hậu Covid (long Covid)?

Hàng triệu người đang rơi vào tình trạng đôi khi gây tàn phế, thường lại không biểu hiện rõ ràng, và là “di chứng” của đại dịch: long Covid. Thông thường, cơ thể sẽ hồi phục sau vài tuần kể từ khi nhiễm virus. Nhưng có những người phải đối diện với các vấn đề kéo dài ít nhất ba tháng, có khi là vài năm: đó có thể là mệt mỏi dai dẳng, suy giảm nhận thức (“sương mù não”), đau nhức hoặc trục trặc tim mạch.

Hiện các bác sĩ chưa biết vì sao chỉ một số người bị “long Covid”. Nó có thể xảy ra cả khi bạn chỉ bị Covid nhẹ, ở bất kỳ độ tuổi nào. Tỉ lệ mắc cũng giảm dần so với giai đoạn đầu đại dịch. Nghiên cứu cho thấy tiêm vaccine có thể giảm nguy cơ mắc long Covid.

Nguyên nhân gây “long Covid” cũng chưa rõ, khiến việc tìm kiếm giải pháp điều trị gặp khó. Một manh mối đáng chú ý: ngày càng nhiều nhà khoa học phát hiện tàn dư của virus có thể ở lại bên trong cơ thể một số người dù đã qua đợt nhiễm ban đầu, nhưng điều đó cũng không giải thích hết mọi trường hợp.

Theo AP

Theo dõi
Thông báo của
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận