Chủ đề
5 bước phân biệt sữa bột thật hay giả cực kỳ nhanh chóng
Việc phát hiện gần 600 loại sữa bột giả trên thị trường tại Hà Nội gần đây thực sự là một hồi chuông cảnh báo, là một người tiêu dùng thông minh, làm thế nào để bảo vệ gia đình khỏi những lon sữa “dởm”?

Sữa bột giả nguy hiểm thế nào?
Trước khi đi vào chi tiết, hãy cùng điểm qua những mối nguy từ việc sử dụng phải sữa bột giả:
- Thiếu chất trầm trọng: Hàm lượng dinh dưỡng chỉ đạt dưới 70% so với công bố, khiến trẻ chậm phát triển, người lớn thiếu năng lượng;
- Nguy cơ ngộ độc: Quy trình sản xuất bẩn, nguyên liệu không rõ nguồn gốc dễ gây tiêu chảy, nôn mửa, thậm chí nhiễm khuẩn;
- Hậu quả lâu dài: Trẻ nhỏ có thể chậm lớn, suy dinh dưỡng; người già hoặc người bệnh dễ gặp vấn đề về thận, tiêu hóa;
- Niềm tin bị đánh cắp: Tiền mất, tật mang, ai mà không xót khi mua phải hàng giả?
Vậy làm sao để không rơi vào “bẫy” của những kẻ gian? Cùng khám phá ngay nhé!
5 cách phân biệt sữa bột thật và giả cực dễ
1. “Soi” bao bì: Mắt tinh như thám tử
Bao bì chính là “gương mặt” đầu tiên của lon sữa, và đây cũng là nơi dễ lộ dấu vết của hàng giả nhất
- Sữa thật:
- In ấn sắc nét, màu sắc hài hòa, không nhòe, không quá “chói lóa”;
- Thông tin rõ ràng: tên thương hiệu, thành phần, hướng dẫn sử dụng, ngày sản xuất, hạn sử dụng được in hoặc dập nổi chắc chắn;
- Đối với sữa nhập khẩu chính hãng sẽ có tem phụ tiếng Việt từ nhà phân phối, không in trực tiếp tiếng Việt trên vỏ lon;
- Nắp hộp có tem niêm phong chắc chắn, không cong vênh, không có dấu hiệu bị mở trước.
- Sữa giả:
- In ấn mờ, sai chính tả, hoặc màu sắc “lòe loẹt” bất thường;
- Hạn sử dụng bị tẩy xóa, in đè, hoặc mờ nhòe;
- Bao bì có thể móp méo, tem nhãn không đồng đều, hoặc thiếu tem phụ.
Mẹo nhỏ ở đây chính là nếu thấy lon sữa có gì “lấn cấn”, hãy cầm lên kiểm tra kỹ hoặc chụp ảnh so sánh với hình ảnh chính hãng trên website của hãng.
2. Quét mã vạch: Công nghệ làm bạn với mẹ
Mã vạch là “chứng minh thư” của sản phẩm. Chỉ cần một chiếc smartphone, bạn có thể lật tẩy hàng giả ngay tức thì!
- Sữa thật: Mã vạch khớp với thông tin nhà sản xuất và quốc gia xuất xứ. Một số mã phổ biến:
- Việt Nam: 893
- Mỹ: 000–039
- Nhật Bản: 450–459 hoặc 490–499
- Úc: 93–94
- Hà Lan: 87
- Sữa giả: Mã vạch không hợp lệ, không tra được thông tin, hoặc hiển thị sai lệch.
Nếu mã vạch “câm như hến”, tốt nhất đừng mua hoặc sử dụng!
3. Nhìn, ngửi, sờ: Cảm quan không lừa dối
Đừng ngại mở lon sữa ra để kiểm tra bằng chính các giác quan của bạn.
- Sữa thật:
- Màu sắc: Bột sữa vàng nhạt hoặc trắng ngà, tơi xốp, không vón cục.
- Mùi: Thơm dịu nhẹ, đặc trưng của sữa, không gắt.
- Kết cấu: Mịn màng, sờ vào mềm, miết tay không lợn cợn. Nếu bị ẩm, ấn tay sẽ tan ngay.
- Vị: Nếm thử thấy mịn, hơi dính lưỡi, ngọt thanh, tan chậm.
- Sữa giả:
- Màu sắc: Vàng đậm, ngả xám, hoặc có màu lạ, dễ vón cục.
- Mùi: Gắt, chua, ngái, hoặc có mùi hóa chất.
- Kết cấu: Thô ráp, có hạt sạn, không mịn.
- Vị: Tan nhanh, vị chua hoặc lạ, không giống sữa.
Nếu bột sữa nhìn “kì kì” hoặc có mùi hóa học, dừng ngay, đừng tiếc tiền mà cho bé dùng!
4. Thử pha sữa: Nước sẽ tiết lộ sự thật
Cách pha sữa là bài kiểm tra “khó nhằn” mà hàng giả khó qua mặt.
- Với nước lạnh:
- Sữa thật: Nổi lơ lửng, không tan ngay, cần khuấy nhẹ. Sau khi khuấy, để 5 phút không có cặn.
- Sữa giả: Tan nhanh hoặc lắng xuống đáy ngay cả khi chưa khuấy, thường để lại cặn.
- Với nước nóng (60–70°C):
- Sữa thật: Nổi lơ lửng, kết hạt, phải khuấy mới tan. Không có cặn hay váng lạ.
- Sữa giả: Tan ngay, có thể để lại cặn hoặc màu sắc bất thường.
Nếu có điều kiện cho phép, bạn hãy thử đun sôi sữa pha. Khi sôi, sữa thật sẽ tạo lớp váng mỏng và có mùi thơm nhẹ, trong khi đó, sữa giả dễ có cặn hoặc mùi khó chịu hơn.
Trong trường hợp uống thử hoặc sau khi uống có các triệu chứng như buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng, hãy dừng ngay việc sử dụng và kiểm tra sản phẩm.
5. Chọn nơi mua uy tín: Cẩn tắc vô ưu
Nguồn gốc phân phối sẽ quyết định đến 80% chất lượng sản phẩm mà bạn và gia đình sẽ sử dụng. Hãy ưu tiên mua sản phẩm tại các kênh phân phối chính hãng, uy tín.
Về giá cả, các sản phẩm chính hãng sẽ có giá cả ổn định theo thời gian và được niêm yết công khai trên nhiều nền tảng để bạn có thể tham khảo. Các sản phẩm giả thường sẽ có giá “mềm” hơn khá nhiều, đánh vào tâm lý tiết kiệm của người dùng, vì vậy hãy cực kỳ thận trọng.