Chủ đề
3 loại thực phẩm này xuất hiện trong tủ lạnh có thể gây hại cho sức khỏe
Mới đây, trả lời tờ Daily Mail, chuyên gia dinh dưỡng lâm sàng người Ấn Độ, bà Jhanvi Sanghvi, cho biết một số nguyên liệu tưởng chừng vô hại lại có thể trở nên độc hại nếu bảo quản lạnh. Cụ thể, hành tây, tỏi và khoai tây nằm trong danh sách “cấm” đưa vào tủ lạnh do nguy cơ nhiễm nấm mốc, vi khuẩn, từ đó hình thành chất độc và gây ngộ độc thực phẩm.
3 “thủ phạm” chính gây nguy cơ nhiễm độc
Đứng đầu danh sách là hành tây. Bà Sanghvi cảnh báo rằng việc giữ hành tây trong môi trường ẩm lạnh có thể tạo điều kiện lý tưởng cho nấm mốc phát triển. Các bào tử nấm, khi sinh sôi trong môi trường ẩm, sẽ sinh ra mycotoxin – chất độc có thể gây ra nôn mửa, đau quặn bụng và tiêu chảy cho người ăn. Thay vì bỏ vào tủ lạnh, hành tây cần được cất trữ ở nơi thoáng, khô và tối, chẳng hạn như trong ngăn tủ bếp, để tránh ẩm mốc.
Tỏi cũng không ngoại lệ. Bà Sanghvi nhấn mạnh, việc để tỏi trong tủ lạnh có thể khiến nó mọc mầm, trở nên dai, mất hương vị và kém chất lượng. Thậm chí, trong môi trường ẩm lạnh, tỏi cũng có thể bị nấm mốc tấn công, tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe.
Khoai tây là nguyên liệu thứ ba không nên giữ lạnh. Khi bảo quản ở nhiệt độ thấp, tinh bột trong khoai tây chuyển hóa thành đường. Kết quả là củ khoai có vị ngọt lợ, kết cấu sượng, và khi đem chế biến ở nhiệt độ cao, chúng có thể tạo ra acrylamide – một hợp chất được một số nhà khoa học nghi ngờ có khả năng gây hại, thậm chí liên quan đến nguy cơ ung thư.
Tranh cãi về nguy cơ ung thư từ khoai tây lạnh
Trong nhiều năm, giới khoa học từng cho rằng việc giữ khoai tây ở nhiệt độ thấp làm tăng lượng đường, từ đó khi chiên, nướng hoặc quay, chúng sản sinh acrylamide. Đây là chất có thể gây nguy cơ ung thư. Tuy nhiên, hiện nay quan điểm này vẫn gây tranh cãi.
Cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm Anh (FSA) từng khuyến cáo không nên để khoai tây trong tủ lạnh. Nhưng đến năm 2023, khuyến cáo này đã cập nhật hướng dẫn, cho rằng có thể bảo quản khoai tây trong tủ lạnh hoặc nơi khô, mát tùy ý.
Giáo sư Thomas Sanders tại Đại học King’s College London cho biết, acrylamide thực chất được hình thành khi thực phẩm giàu asparagine (một loại axit amin) được nấu ở nhiệt độ cao. Việc luộc, hấp hay nấu trong lò vi sóng không tạo ra acrylamide. Ngâm hoặc chần khoai tây trước khi chiên, nướng có thể giảm đáng kể hàm lượng chất này.
Những thực phẩm khác không nên giữ trong tủ lạnh
Bên cạnh 3 “thủ phạm” kể trên, bà Sanghvi cũng liệt kê thêm những loại thực phẩm không nên để lạnh vì giảm hương vị và chất lượng. Chẳng hạn, chuối cần để ngoài, trong môi trường nhiệt độ phòng. Nếu đặt chuối vào tủ lạnh, chúng dễ bị thâm vỏ, trở nên nhũn nhão và hương vị kém ngon do quá trình chín bị gián đoạn.
Gừng cũng không nên bảo quản trong tủ lạnh vì có thể bị khô héo, mất đi mùi thơm, vị cay đặc trưng, khiến nó trở nên vô dụng khi nấu nướng.
Không phải mọi thực phẩm đều an toàn khi để trong tủ lạnh. Hành tây, tỏi, khoai tây, cũng như chuối và gừng, cần được bảo quản đúng cách ở nhiệt độ phù hợp để vừa đảm bảo hương vị vừa tránh nguy cơ ngộ độc. Mỗi nguyên liệu đều có “vùng an toàn” riêng, và hiểu rõ điều này giúp chúng ta chủ động trong việc bảo vệ sức khỏe gia đình.