22/7/2025 | Tâm bão Wipha đang ngay trên vùng biển ven bờ Hưng Yên - Ninh Bình. Hà Nội nói ô nhiễm không khí 60% do giao thông, Bộ nói ô nhiễm khí thải xe cộ chiếm 15%
Hôm nay 22/7/2025, Doctor247 gửi đến bạn những thông tin đang được chú ý trên các trang báo và mạng xã hội như sau.

Tâm bão Wipha đang ngay trên vùng biển ven bờ Hưng Yên - Ninh Bình
Dự báo trong sáng đến trưa nay 22/7, bão số 3 (Wipha) sẽ đổ bộ vào đất liền nam Hải Phòng, Hưng Yên và Ninh Bình với gió có thể mạnh cấp 9, giật cấp 11, 12. Sâu trong đất liền Hà Nội, Bắc Ninh, Thanh Hóa có thể có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8.
Đến 8h, tâm bão số 3 nằm ngay trên vùng biển ven bờ Hưng Yên - Ninh Bình với cường độ cấp 9 (74-88km/h), giảm một cấp so với trước đó.
Hôm nay và ngày mai, hoàn lưu bão số 3 tiếp tục gây mưa lớn ở đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An với tổng lượng mưa phổ biến 250-300mm, cục bộ có nơi lên tới 500mm, đặc biệt là ở Hưng Yên, Ninh Bình, Thanh Hóa và Nghệ An.
Các khu vực khác Bắc Bộ và Hà Tĩnh mưa 100-200mm.

Hà Nội nói ô nhiễm không khí 60% do giao thông, Bộ nói ô nhiễm khí thải xe cộ chiếm 15%
Trao đổi tại buổi tọa đàm "Chuyển đổi xe xăng sang xe điện: Để không ai bị bỏ lại phía sau", bà Nguyễn Hoàng Ánh - quyền trưởng phòng quản lý chất lượng môi trường, Cục Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, theo nhận định của Bộ thì nguồn ô nhiễm từ khí thải phương tiện giao thông chiếm khoảng 15%, bụi hoạt động giao thông là 23%, tổng là 38%. Một nguồn bụi rất lớn nữa chiếm khoảng 29% là bụi từ hoạt động xây dựng 17-18% và hoạt động đốt (rơm rạ, lốp xe) chiếm 15-16%.
Con số trên chênh khá nhiều với báo cáo trước đó của Hà Nội, khi địa phương này cho rằng ô nhiễm không khí thì ô nhiễm từ các phương tiện giao thông chiếm trên 60%.
Đáng chú ý, xe máy - phương tiện phổ biến nhất, tiêu thụ nhiều năng lượng, phát thải trực tiếp qua ống xả mà không qua hệ thống xử lý khí thải, dẫn đến mức độ ô nhiễm cao hơn so với ô tô.
Trong khi đó, phần lớn ô tô hiện nay đều được trang bị hệ thống xử lý khí thải trước khi thải ra môi trường, giúp giảm bớt tác động đến chất lượng không khí.

Jensen Huang: 'Sẽ chọn khoa học vật lý nếu là sinh viên'
Trong chuyến thăm Bắc Kinh tuần trước, Jensen Huang -CEO Nvidia, được một nhà báo đặt câu hỏi: "Nếu là phiên bản 22 tuổi, vừa tốt nghiệp hôm nay nhưng vẫn có cùng tham vọng, ông sẽ tập trung vào điều gì?"
"Với phiên bản Jensen trẻ, 20 tuổi vừa tốt nghiệp, có lẽ cậu ấy sẽ lựa chọn thiên về khoa học vật lý hơn là khoa học phần mềm", CEO Nvidia trả lời và nói thêm, ông thực chất tốt nghiệp đại học năm 20 tuổi, sớm hai năm. Ông lấy bằng cử nhân kỹ thuật điện tại Đại học Bang Oregon năm 1984, sau đó lấy bằng thạc sĩ kỹ sư điện tại Đại học Stanford năm 1992.
Khác với khoa học sự sống, khoa học vật lý là một lĩnh vực rộng tập trung vào nghiên cứu các hệ thống không sống, bao gồm vật lý, hóa học, thiên văn, khoa học Trái Đất. Dù không giải thích lý do chọn khoa học vật lý, ông Huang rất lạc quan về "AI vật lý" và coi là "làn sóng tiếp theo".

Robot đầu tiên phẫu thuật tự động không cần con người, độ chính xác 100%
Một bước tiến chưa từng có trong lĩnh vực y học vừa được ghi nhận. Robot phẫu thuật tự động đầu tiên trên thế giới SRT-H đã hoàn thành ca phẫu thuật cắt túi mật với độ chính xác 100%, hoàn toàn không cần sự can thiệp của con người.
SRT-H (Surgical Robot Transformer-Hierarchy) là sản phẩm của nhóm nghiên cứu tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ).
Không giống như những robot phẫu thuật hiện tại vốn phụ thuộc hoàn toàn vào thao tác điều khiển của bác sĩ như hệ thống da Vinci đã được sử dụng trong hơn 12 triệu ca mổ từ năm 2000, SRT-H có khả năng vận hành độc lập, tự nhận diện cấu trúc giải phẫu, xử lý tình huống bất ngờ và đưa ra quyết định phẫu thuật gần như tương đương với bác sĩ giàu kinh nghiệm.

Cốt lõi công nghệ của SRT-H là kiến trúc máy học tiên tiến, được huấn luyện qua phương pháp “language-guided imitation learning” (tạm dịch: học theo ngôn ngữ hướng dẫn). Công nghệ cho phép robot học từ video phẫu thuật thực tế do bác sĩ thực hiện.
Trí tuệ nhân tạo này cũng được lập trình để tiếp nhận lệnh bằng giọng nói và phản ứng theo thời gian thực, tương tự như cách các hệ thống AI hiện đại như ChatGPT vận hành.