10 cách để nhanh khỏi bệnh cúm
Bệnh cúm đang xuất hiện với sự thay đổi thất thường của thời tiết cuối năm. Những triệu chứng như sổ mũi, đau họng, mệt mỏi tạo ra không ít sự bất tiện trong công việc, sinh hoạt thường ngày. 10 cách dưới đây sẽ giúp bạn nhanh chóng đánh bại cơn cúm và duy trì sức khỏe tốt nhất cho mùa cuối năm bận rộn.
1. Ở nhà
Điều đầu tiên bạn cần làm là cho cơ thể thời gian và năng lượng để nghỉ ngơi và chống lại virus cúm.
Ngoài việc giúp bạn phục hồi, việc ở nhà còn ngăn ngừa lây lan bệnh cúm trong môi trường làm việc, học tập. Để hạn chế lây lan cho người trong nhà, bạn nên thường xuyên khử trùng các bề mặt cũng như vật dụng cá nhân.
2. Uống nhiều nước
Những triệu chứng của cúm như sốt cao, nôn mửa và tiêu chảy dễ khiến cơ thể mất nước dẫn đến kiệt sức. Việc uống nhiều nước đồng thời làm giảm chất nhầy ở niêm mạc và giảm sung huyết.
Bên cạnh nước lọc, bạn có thể bổ sung nước bằng các loại trà thảo dược, trà mật ong hoặc nước ép trái cây giàu dưỡng chất và vitamin. Các loại thức uống này giúp bạn vừa bù nước cho cơ thể vừa làm dịu các triệu chứng cúm, giúp cơ thể dễ chịu hơn. Hai thứ bạn cần tránh là đồ uống có cồn và caffeine.
3. Ngủ nhiều
Việc ngủ ít sẽ hệ thống miễn dịch của bạn yếu đi, khiến vi khuẩn dễ xâm nhập. Hãy đi ngủ sớm và ngủ thêm giấc trưa để cơ thể có thêm thời gian phục hồi.
4. Kê cao đầu khi ngủ
Tình trạng mất ngủ khi mắc cúm có thể xảy ra do chất nhầy tích tụ trong cổ họng khi bạn nằm gối đầu quá thấp. Điều này sẽ làm kích hoạt cơn ho và gây trằn trọc về đêm. Để cải thiện các triệu chứng ho, nghẹt mũi và giảm áp lực xoang khi ngủ, bạn có thể xếp thêm gối phụ để nâng cao đầu lên một chút.
5. Ăn uống đầy đủ, nhiều dưỡng chất
Khi bị cơn cúm “hành”, bạn có thể bị nhạt miệng, không thèm ăn nhưng ăn uống đầy đủ là điều tối quan trọng để duy trì sức lực và vượt cúm nhanh chóng.
Bạn có thể chọn những món dễ ăn, nhiều dưỡng chất như cháo, súp gà, canh gà nấu gừng, canh thịt hầm rau củ…
Bổ sung thêm trái cây và rau quả tươi để cung cấp các vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa quan trọng, giúp hệ miễn dịch được tăng cường trong quá trình chống lại virus cúm.
6. Tăng độ ẩm không khí
Virus cúm tồn tại lâu hơn ở không khí khô. Điều này khiến virus lây lan nhanh và dễ dàng hơn. Đặc biệt là vào mùa lạnh, nhiệt độ ngoài trời lạnh làm giảm độ ẩm trong không khí. Không khí trong nhà có thể bị khô do sử dụng hệ thống sưởi hoặc điều hòa không khí.
Ngoài ra, không khí ẩm còn giúp người bệnh giảm các triệu chứng nghẹt mũi, đau họng. Trong trường hợp chưa có máy tạo độ ẩm tại nhà, bạn có thể bật vòi sen với nước nóng và ngồi trong nhà tắm để hít thở không khí trong vài phút.
7. Dùng thuốc
Sử dụng thuốc sẽ làm giảm triệu chứng cúm. Sử dụng thuốc theo hướng dẫn, và nhớ không được sử dụng cho trẻ em dưới 6 tuổi mà không được sự đồng ý của bác sĩ nhi khoa.
Các bác sĩ thường khuyên dùng acetaminophen để hạ sốt và thuốc giảm đau. Tuy nhiên, nếu bạn đang dùng một loại thuốc cúm khác, hãy đảm bảo là không có acetaminophen trong thuốc đó. Nó là một thành phần phổ biến trong nhiều loại thuốc không kê đơn, nhưng uống quá nhiều có thể gây nguy hiểm.
Ngoài ra, để giảm triệu chứng cúm bạn có thể áp dụng những biện pháp sau:
- Viên ngậm chữa đau họng: Trong viên ngậm có các loại thảo mộc và các thành phần khác có thể làm dịu cảm giác đau.
- Thuốc thông mũi chữa nghẹt mũi: Thuốc này có tác dụng thu nhỏ các mạch máu trong mũi để có thể mở đường thở. Tuy nhiên, thuốc dạng lỏng hoặc thuốc viên có thể khiến bạn cảm thấy bồn chồn. Sử dụng thuốc xịt thông mũi và thuốc nhỏ quá nhiều khi bị cúm có thể gây nghẹt mũi nhiều hơn, vì vậy đừng sử dụng chúng quá 3 ngày.
- Thuốc long đờm.
- Thuốc kháng histamin để làm khô mũi, giảm triệu chứng sổ mũi. Thuốc này giúp ngăn chặn các triệu chứng hắt hơi và sụt sịt khi bị cúm. Dùng thuốc thông mũi và thuốc kháng histamin cùng nhau có thể hữu ích hơn là chỉ dùng một loại.
8. Uống một thìa mật ong
Độ dính của mật ong sẽ làm dịu cơn ho của bạn khi bị cúm. Trong một nghiên cứu, những đứa trẻ ăn khoảng nửa muỗng mật ong trước khi đi ngủ sẽ ngủ ngon hơn và ho ít hơn những đứa trẻ dùng thuốc giả dược.
Hãy pha mật ong với một tách trà không caffeine hoặc nước chanh. Lưu ý: Không dùng mật ong cho trẻ nhỏ dưới 1 tuổi.
9. Hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng kháng sinh
Thuốc kháng sinh giúp cơ thể chống lại các bệnh nhiễm trùng gây ra bởi vi khuẩn, nhưng bệnh cúm lại do virus gây ra. Cúm uống kháng sinh một cách tự ý khi bị nhiễm virus có thể mang lại cho bệnh nhân nhiều tác hại hơn là lợi ích, nhất là làm tăng nguy cơ bị kháng kháng sinh sau khi dùng thuốc.
Hơn nữa, biểu hiện chính của bệnh cúm là sốt, ho, rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác, nên nếu chưa được chẩn đoán chính xác mà tự ý điều trị bằng kháng sinh càng khiến bệnh diễn biến nặng hơn. Bệnh nhân dùng kháng sinh cũng có thể phải chịu tác dụng phụ của thuốc như ban đỏ, tiêu chảy… trong khi bệnh cúm vẫn không khỏi.
10. Tiêm phòng cúm
Tiêm phòng cúm giúp ngăn ngừa nhiễm virus cúm, đồng thời hạn chế các biến chứng như viêm phổi, viêm xoang và viêm tai.
Vắc-xin cần được tiêm hằng năm vì virus cúm thường xuyên thay đổi tính kháng nguyên. Kháng thể bảo vệ tạo ra bởi vắc xin cúm tồn tại trong thời gian ngắn dưới 1 năm. Do đó, để bảo đảm sự tương đồng giữa chủng vi rút cúm có trong vắc xin và chủng vi rút cúm hiện đang lưu hành, thành phần của vắc xin cúm được thay đổi hàng năm.
Theo Healthline